Chính phủ trình phương án chi 26.900 tỉ từ nguồn tăng thu ngân sách 2023

(PLO)- Trong phương án chi 26.900 tỉ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách 2023, dự kiến chi cho quốc phòng 2.000 tỉ, an ninh 4.000 tỉ, giao thông 19.380 tỉ, cải cách tư pháp 1.520 tỉ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Quốc hội ngày 27-6 đã nghe tờ trình và thảo luận về việc sử dụng dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn vốn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 cho các dự án đầu tư công.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày tờ trình về vấn đề này.

Tờ trình của Chính phủ cho hay: Hôm 25-6, Bộ Chính trị đã họp và đồng ý chủ trương về định hướng, kiến nghị phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2023 theo các tờ trình của Ban cán sự Đảng Chính phủ và Bộ Tài chính.

Theo đó, số vốn tăng thu NSTW năm 2023 cần được bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 là 18.220 tỉ, số vốn tăng thu ngân sách 2023 dự kiến dành cho chi đầu tư phát triển là 26.900 tỉ.

qh-ns-ho-duc-phoc.jpg
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình về việc sử dụng nguồn tăng thu từ NSTW 2023 cho đầu tư phát triển. Ảnh: QH

Theo các thông báo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quy định của luật Đầu tư công thì việc phân bổ nguồn tăng thu này thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Khoản tăng thu 2023 này được Chính phủ trình ra Quốc hội theo hướng ưu tiên cho các dự án quốc phòng, an ninh, các các dự án giao thông quan trọng quốc gia, dự án xây dựng đường cao tốc trọng điểm, dự án giao thông giúp liên kết vùng, có tác động lan tỏa, giúp phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Cụ thể, Chính phủ trình phân bổ 26.900 tỉ sử dụng nguồn tăng thu NSTW năm 2023 dự kiến bố trí cho 20 dự án. Trong đó, quốc phòng được bố trí 2.000 tỉ, an ninh 4.000 tỉ, giao thông: 19.380 tỉ, cải cách tư pháp 1.520 tỉ.

Từ đó, Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng 18.220 tỉ dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023.

Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội cho phép hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với 11 dự án với số vốn là 13.700 tỉ; cho phép hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án từ nguồn dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023. Những vấn đề này được đề nghị báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 cuối năm nay.

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày đồng ý với tờ trình của Chính phủ và đề nghị Quốc hội cho phép Chính phủ thực hiện những công việc như đề xuất, đồng thời, báo cáo Quốc hội những vấn đề phát sinh, kết quả thực hiện với Ủy ban Thường vụ giữa hai kỳ họp và kỳ họp thứ 8 vào cuối năm.

Các ĐBQH chắc nhận thấy tờ trình và thẩm tra về vấn đề này không có vấn đề gì. Bởi vậy, chỉ có hai ĐB là Phan Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) và Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) đăng ký phát biểu.

qh-le-quang-manh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: QH

Các dự án được phân bổ nguồn vốn tăng thu NSTW 2023

+ Thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 8.680 tỉ, gồm:

6 dự án của Bộ Giao thông vận tải đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, trong đó có 6.300 tỉ cho dự án Cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025.

+ Thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội có 18.220 tỉ cho 14 dự án cần phê duyệt chủ trương hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư để mở rộng quy mô đầu tư; bổ sung hạn mức trung hạn để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư và các dự án khởi công mới, dự án chưa có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; dự án chưa cân đối đủ nguồn để phê duyệt hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm