Làm sao để biết bất động sản có tranh chấp?

Để nắm được thông tin này, cách chính xác nhất là liên hệ với UBND phường/xã; phòng TN&MT quận/huyện, văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh quận/huyện… để nhờ cung cấp thông tin.

Nhằm tránh rủi ro mua phải nhà bị tranh chấp, luật sư Trần Vân Linh, Đoàn Luật sư TP.HCM, chia sẻ với bạn đọc một số điểm chính cần quan tâm.

Theo luật sư Linh, khi người mua chưa được ủy quyền của chủ sở hữu tài sản để xin cung cấp thông tin nhà, đất tại các cơ quan có thẩm quyền thì việc xin cung cấp thông tin khá khó khăn. Lý do là cơ quan có thẩm quyền sẽ không cung cấp chính thức bằng văn bản mà có thể chỉ trả lời miệng. Tuy nhiên, những thông tin ấy vẫn có giá trị nhất định. Người mua nhà có thể thực hiện như sau:

- Liên hệ với UBND phường/xã nơi có nhà, đất để xem có đang bị niêm yết về việc phân chia di sản thừa kế hay không; hoặc có bị ngăn chặn việc khai di sản thừa kế hay không.

- Gặp trực tiếp cán bộ tư pháp phường/xã để tìm hiểu nhà, đất có ai đang gửi đơn giải quyết tranh chấp hay không.

- Liên hệ với cơ quan thi hành án tìm hiểu xem căn nhà có bị yêu cầu thi hành án bởi một bản án có hiệu lực pháp luật hay không.

- Có thể liên hệ phòng TN&MT quận/huyện, văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh quận/huyện để hỏi thông tin căn nhà có bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án hay cơ quan thi hành án hay không.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, khi mua nhà, người mua nên kiểm tra thật kỹ tính pháp lý của tài sản theo các bước sau:

- Căn nhà dự định mua phải có bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCN). Không bao giờ chấp nhận đặt cọc khi chỉ nhìn thấy GCN photocopy dù có công chứng hoặc chứng thực sao y bản chính. Lý do là nhiều khả năng nhà đang bị thế chấp ở ngân hàng hoặc một nơi nào khác nên chủ nhà mới không giữ GCN bản chính.

- Kiểm tra về quyền sở hữu tài sản, xem người đứng tên trên GCN để xác định đây là tài sản riêng của một người, của vợ chồng hay đồng sở hữu của nhiều người.

Nếu GCN xác định chỉ có một người đứng tên thì phải kiểm tra người ấy có vợ, chồng hay không, tình trạng hôn nhân hiện tại. Nếu chủ sở hữu ly hôn phải kiểm tra bản án có phân chia tài sản chung không.

Trường hợp là đồng sở hữu, đồng thừa kế thì cần kiểm tra GCN có ghi đại diện hay không. Nếu mua nhà dự án cũng phải kiểm tra xem ai là chủ sở hữu tài sản và họ đã có quyền đứng bán tài sản hay chưa.

Tính pháp lý của căn nhà không rõ ràng là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, rất phiền hà cho người mua sau này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm