Bộ KH&ĐT mới hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Chính phủ về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Theo dự thảo, đây là một nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ và nhiều nghị quyết đã được triển khai. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn có thể có nhiều giải pháp để cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp nhiều hơn nữa.
Dự thảo của Bộ KH&ĐT nhận định dù được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, nhưng còn nhiều chỉ số vẫn ở hạng thấp so với thế giới. Cụ thể, theo Doing Business 2018, tổng mức thuế và chi phí bảo hiểm doanh nghiệp Việt Nam phải nộp chiếm 38,1% lợi nhuận trước thuế trong khi con số này ở Thái Lan là 28,7%, ở Indonesia là 30%.
Khảo sát PCI 2017 cho thấy 59,3% doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp cùng ngành thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức; lãnh đạo của khoảng 30% doanh nghiệp phải phải dành hơn 10% quỹ thời gian cho tìm hiểu và tuân thủ quy định pháp luật; 44% doanh nghiệp cho rằng thủ tục thuê, mua đất phức tạp; 16% doanh nghiệp cho rằng giá đất theo quy định nhà nước cao.
Nhận định rằng còn nhiều bất cập trong các khoản chi phí do nhà nước tạo ra, Bộ KH&ĐT cho rằng: Năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế của doanh nghiệp bị hạn chế, cản trở việc thực hiện các chính sách về nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.
Dự thảo tiếp tục đưa ra các mục tiêu như cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% điều kiện kinh doanh; đến năm 2020, giảm một nửa tỉ lệ doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức và chi phí thuế và bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp giảm xuống mức trung bình ASEAN 4.
Bộ KH&ĐT cũng cụ thể hóa nhiệm vụ của các bộ, ngành và địa phương trong các lĩnh vực như chi phí tuân thủ pháp luật về gia nhập thị trường, xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh, chi phí tín dụng và dịch vụ thanh toán, chi phí khoa học công nghệ, chi phí logistics và thương mại qua biên giới, phí, lệ phí, tiền thuê đất và tiền khai thác tài nguyên…
Đặc biệt, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh tới chi phí không chính thức. Để giảm chi phí không chính thức, dự thảo đưa ra nhiều giải pháp cho các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
PCI 2017 cho hay tỉ lệ các DN phải trả chi phí không chính thức khi làm việc với cán bộ, công chức đã giảm
Ngoài việc phải làm cho các quy định pháp luật về kinh doanh dễ hiểu, công khai tài liệu hướng dẫn… dự thảo đề xuất Xây dựng quy tắc đạo đức công vụ của cán bộ, công chức khi phục vụ công dân, doanh nghiệp; tổ chức tập huấn cho các bộ, công chức trực thuộc.
“Tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức về các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo và chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi hành công vụ”, dự thảo nêu.
Ngoài ra, dự thảo cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo giải quyết các kiến nghị, phản ảnh, khiếu nại, tố cáo của doanh nghiệp, của công dân kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Người đứng đầu chính quyền các cấp phải giành thời gian thích đáng tiếp công dân theo quy định, giải quyết hiệu quả các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.
Đối với Thanh tra Chính phủ, dự thảo đề xuất bốn giải pháp, trong đó có việc giúp Chính phủ kiểm tra, đôn đốc việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, tố cáo của doanh nghiệp về các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức các cấp; xây dựng các công cụ hiện đại tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, tố cáo của doanh nghiệp và người dân về hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức…
Về phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp, dự thảo đề nghị tích cực vận động doanh nghiệp thành viên phản ánh các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức; tập hợp các kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp thành viên gửi Thanh tra Chính phủ.