Yêu cầu này của Thủ tướng cũng có nghĩa là tình trạng tham nhũng, “bôi trơn”, chi phí không chính thức trong đầu tư xây dựng là một sự thực. Như nhận định của Thủ tướng thì tình trạng ấy còn nặng nề, diễn ra ở nhiều khâu, phức tạp, khó kiểm soát, từ khâu quy hoạch, chủ trương dự án, nghiên cứu dự án, quyết định phê duyệt dự án, giải ngân, đấu thầu, thuế, kho bạc, nghiệm thu...
Nhưng biểu hiện cụ thể nhất của tình trạng này chính là “ngâm hồ sơ” của các cán bộ, công chức thừa hành. Mà ai cũng hiểu, khi hồ sơ bị “ngâm” thì doanh nghiệp sẽ thiệt hại thế nào khi mỗi ngày qua đi là chi phí dự án tăng lên gấp bội. Chỉ có điều ở thể chế không minh bạch này, “tâm trạng” của cán bộ, công chức lại có tính quyết định đối với sự “thống nhất và thông suốt” của hệ thống hành chính chứ không phải là các quy định của pháp luật.
Bởi xét cho đến cùng, dù có nhiều quy định, quy chuẩn… nhưng thực tế khó khăn không phải đến từ đó, mà lại từ những quy định hành chính và thái độ gây khó khăn của các cán bộ, công chức thừa hành. Quy định về thời gian, thủ tục, quy trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ không phải là không có và không rõ ràng, thậm chí “bộ phận một cửa” ở nhiều nơi được ca ngợi là điển hình của cải cách hành chính.
Nhưng vì sao doanh nghiệp, người dân vẫn gặp khó khi đến chốn công quyền? Hẳn nhiên không có lý do nào khác ngoài sự vòi vĩnh, nhũng nhiễu. Điều ấy thật trớ trêu lại là “động lực” để tình trạng “nén bạc đâm toạc tờ giấy” làm méo mó nền công vụ, bào mòn nguồn lực của dân, doanh nghiệp và làm cho những nỗ lực thúc đẩy minh bạch, công khai trở thành… công cốc.
Bởi vậy, Thủ tướng nhận định: “Vấn đề công khai, minh bạch trong đầu tư xây dựng rất quan trọng”.
Nhưng chắc chắn công khai, minh bạch không chỉ quan trọng đối với đầu tư, xây dựng, mà thực tế chứng minh cả nền kinh tế-chính trị của đất nước đang cần công khai, minh bạch.
Ở bất cứ một hội thảo nào gần đây về điều kiện kinh doanh, những lời chia sẻ cay đắng, những lời than vãn trần trụi về thực trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức đối với doanh nghiệp vẫn vang lên. Ngoài nguyên nhân từ sự chồng chéo của chính sách thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là sự “liêm chính” của các công bộc. Mà sự “liêm chính” chỉ có thể nảy nở khi môi trường pháp lý, kinh doanh thực sự có những con người liêm khiết.
Bởi vậy mà mới đây, ông Hoàng Triều, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh và Sản xuất thuốc thú y Việt Nam, tại hội thảo về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đã mạnh dạn đề nghị: “Phải thay cải cách hành chính bằng cải cách con người”. Lời đề nghị này có lẽ không phải là “đại ngôn” bởi thực tế, mọi sự “tù mù” của thể chế cũng do con người tạo ra.
Điều này chỉ có thể mất đi khi yêu cầu dẹp tình trạng “Có 300 lượng việc này mới xong” của Thủ tướng được hệ thống hành chính thực thi nghiêm chỉnh.