Làm sao để mẹ đẻ đòi lại quyền nuôi con từ mẹ kế?

(PLO)- Người cha được tòa giao quyền nuôi con nay đã mất, con ở với mẹ kế. Mẹ ruột muốn đón con về chăm sóc nuôi dưỡng nhưng mẹ kế không cho, phải làm sao?

Vợ chồng tôi có hai đứa con chung. Khi ly hôn thì tòa tuyên mỗi người nuôi một đứa, con gái ở với tôi, con trai ở với cha. Sau khi ly hôn, chồng cũ có đi bước nữa. Năm rồi, chồng cũ của tôi bị tai nạn giao thông không may qua đời. Hiện tại, người vợ mới của chồng chăm sóc con trai tôi (10 tuổi). Tôi muốn đón con về để chăm sóc nhưng người vợ mới không đồng ý. Tôi xin hỏi, sau khi chồng tôi chết thì tôi có quyền đón con về chăm sóc, nuôi dưỡng không?

Bạn đọc Thanh Thúy (Ninh Bình), hỏi.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời:

Theo khoản 1 Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Quyền và nghĩa vụ này được thực hiện xuyên suốt dù đang trong thời kỳ hôn nhân hay sau khi hai vợ chồng đã ly hôn. Do đó, trường hợp một trong hai người (vợ hoặc chồng) không may qua đời thì người còn lại có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con cái.

Pháp luật hiện hành có nêu rõ các trường hợp bị hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên (khoản 1 Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình 2014) như sau:

- Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

- Phá tán tài sản của con;

- Có lối sống đồi trụy;

- Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Nếu không thuộc trường hợp nêu trên, bạn hoàn toàn được quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con mà không bị hạn chế. Bạn có thể giải thích quyền của mình với người vợ mới (của chồng cũ) và đón con bạn về để chăm sóc, nuôi dưỡng.

Trong trường hợp không thỏa thuận được, bạn có thể khởi kiện tại toà án để yêu cầu thay đổi quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn.

Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý thêm rằng tùy vào hoàn cảnh của mỗi người, bạn nên cân nhắc, xem xét việc con ở với ai là tốt nhất. Người phụ nữ kia chắc hẳn đã rất yêu thương con của bạn nên mới quyết dành quyền nuôi con như vậy. Và cũng có thể đứa trẻ cũng đã có sự lựa chọn của riêng mình, bạn nên tham khảo ý kiến của con và xem xét hết mọi khía cạnh vấn đề. Trong trường hợp này, sự phát triển tốt nhất của đứa trẻ phải được đặt lên hàng đầu. Chúc bạn có lựa chọn sáng suốt!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới