Sáng ngày 29-4, Thành uỷ Hà Nội tổ chức Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khoá XVII. Thảo luận tại hội nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nêu một số gợi ý về phát triển đô thị, trong đó có việc cải tạo chung cư cũ, xử lý rác thải, giải toả ách tắc giao thông…
Bí thư TP Hà Nội cho rằng Hà Nội đang có nguồn lực phát triển lớn, trong khi đó các tỉnh lân cận TP đang phát triển kém hơn. Do đó cần mở rộng không gian phát triển của TP để kéo các địa phương khác phát triển theo.
"Bây giờ áo quá chật rồi, vành đai 3 tắc suốt ngày đêm. Cả Đông, Tây, Bắc đều dồn về Pháp Vân - Cầu Giẽ. Mình cần làm không gian rộng ra, làm đường vành đai 4 thì không gian phát triển rộng hơn, thu hút đầu tư, dần dần giảm sự chênh lệch phát triển giữa các địa phương, giữa Hà Nội với các tỉnh", ông nói.
Ông Dũng gợi ý trước mắt cần huy động nguồn lực để làm đường vành đai 4 để mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô.
“Thường trực, Thường vụ Thành uỷ thống nhất rất cao, đường vành đai 4 dự kiến có mặt cắt ngang 120m, hai tầng, quy hoạch đường sắt luôn. 20 - 30 mét hai bên đường cắm mốc địa giới, làm quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu để sau này có dư địa phát triển” - Bí thư Thành uỷ thông tin.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Ảnh: TP
Ông cũng đề cập đến vấn đề cải tạo chung cư cũ mà TP đang tập trung giải quyết nhiều năm nay. Theo ông vướng mắc trong vấn đề này là giải quyết bài toán không được tăng dân số, nhưng vẫn phải hài hoà lợi ích của các bên tham gia. Nhưng có một bất hợp lý vẫn đang diễn ra là tại nội đô vẫn mọc lên nhiều chung cư cao tầng.
“Nói là không được tăng dân số, nhưng tại sao lại xây nhiều chung cư cao tầng ở các khu như Ngã Tư Sở, Minh Khai, Giảng Võ, khu Cao-Xà-Lá…” - ông nói và cho rằng việc “ép chung cư cũ không cho tăng tầng” là lực cản cần có phương án giải quyết trong vấn đề cải tạo chung cư cũ.
Theo Bí thư Thành uỷ, cần phải thay đổi tư duy, cách làm cải tạo chung cư cũ, làm “ra tấm, ra miếng”, chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực để làm thay vì chọn phải “những doanh nghiệp yếu, nhiều yêu sách, làm mãi không xong”.
Giải quyết thích đáng quyền lợi cho người dân “Đập 1 - 2 chung cư đi để xây. Trả cho người dân theo hệ số 1 - 2 lần. Tầng 1 - 2 cho làm thương mại. Tầng 3 - 15 trả cho người dân, thoả thuận với người dân. Còn lại 8 - 9 tầng trên để kinh doanh. Người ta có lợi nhuận mới làm”- ông nói và nhấn mạnh thêm: “Nếu sập một toà nhà, lúc ấy không biết lợi ích hài hoà ở đâu, mà là trách nhiệm của Đảng, của nhà nước, của TP”.
Bí thư Hà Nội cũng lưu ý vấn đề xử lý rác thải cho nội đô. TP cần quy hoạch các bãi rác thải khác, đổi mới công nghệ xử lý rác, nghiên cứu xây dựng kinh tế rác thải thay vì dồn tải cho bãi rác ở Sóc Sơn như hiện nay thì rất rủi ro.
Cùng với đó là tập trung giải quyết vấn đề về đất đai, xây dựng, khoáng sản, cũng như các vấn để nóng, bức xúc. Nếu phát sinh mới mà lãnh đạo địa phương không xử lý được, sẽ gắn trách nhiệm với Bí thư, Chủ tịch cấp quận huyện.
"Các vấn đề dân sinh bức xúc mà không xử lý được thì tôi xử lý ông, gắn với phân cấp rõ ràng, địa bàn của ai thì người đó chịu trách nhiệm, không đùn đẩy việc lên TP” - ông Dũng nói.