Một phái đoàn của Liên Hợp Quốc (LHQ) đến vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh nằm giữa biên giới Armenia và Azerbaijan vào sáng 1-10, hãng tin AFP dẫn lời một người phát ngôn của tổng thống Azerbaijan cho hay.
Đây là lần đầu tiên sau khoảng 30 năm LHQ tới làm việc ở khu vực này. Động thái này diễn ra sau khi Nagorno-Karabakh đồng ý nhập vào Azerbaijan.
Theo người phát ngôn, phái đoàn LHQ đã đến khu vực này nhằm mục đích đánh giá nhu cầu hỗ trợ nhân đạo.
Sau đó cùng ngày, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Azerbaijan nói với AFP rằng phái đoàn LHQ, do Điều phối viên thường trú LHQ tại Azerbaijan Vladanka Andreeva dẫn đầu, đã đến thăm một trạm kiểm soát ở khu vực biên giới Nagorno-Karabakh. Phái đoàn dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 2-10.
Những người ly khai của Armenia, vốn là lực lượng kiểm soát khu vực Nagorno-Karabakh trong ba thập niên, đã đồng ý giải tán chính phủ họ đã lập ra và nhập lãnh thổ vào Azerbaijan sau cuộc tấn công chớp nhoáng của Azerbaijan vào khu vực này vào tuần trước.
Gần như toàn bộ trong số 120.000 người dân ở Nagorno-Karabakh đã chạy nạn khỏi khu vực này, gây ra cuộc khủng hoảng người tị nạn.
Ông Sergei Astsaryan, 40 tuổi, cho biết ông là một trong những người Armenia cuối cùng rời khỏi khu vực.
“Tôi không biết phải đi đâu, có thể là châu Âu” - ông Astsaryan nói với AFP.
Ông Astsaryan cũng cho biết ông hy vọng nhiều người tị nạn sẽ quay trở lại (Nagorno-Karabakh) nếu Azerbaijan chịu đảm bảo an toàn và trợ giúp người dân.
“Tôi đã nói chuyện với cảnh sát Azerbaijan và họ nói rằng sẽ không có vấn đề gì nếu chúng tôi muốn quay trở lại và chúng tôi có thể sống trong nhà của mình” - ông Astsaryan nói.