Lằn ranh và rủi ro xung đột Nga - NATO

Căng thẳng giữa Nga với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tăng nhiệt nhiều tháng nay khi Nga đưa quân áp sát biên giới Ukraine, và với việc Nga phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine cùng các động thái sau đó của các thành viên khối quân sự này, nhiều nhà quan sát bắt đầu lo ngại về nguy cơ Nga và NATO xung đột với nhau.

Lằn ranh và rủi ro

Trên kênh truyền hình Rossiya-24 ngày 2-3, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cảnh báo rằng Nga và NATO có thể xảy ra xung đột toàn diện, Nga “cực kỳ lo ngại” về việc các nước NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine. Theo ông Grushko, “mọi thứ trong tình huống này rất nguy hiểm”, “không có gì đảm bảo rằng các sự cố sẽ không xảy ra”, không có gì đảm bảo rằng chúng sẽ “không leo thang theo một hướng hoàn toàn không cần thiết”.

Một khu nhà cao tầng bị pháo kích đánh sập ở TP Borodyanka, tỉnh Kiev (Ukraine) ngày 3-3. Ảnh: REUTERS 

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhắm vào Ukraine, các thành viên của khối quân sự do Mỹ đứng đầu tuyên bố rằng đang “tăng cường hỗ trợ chính trị và thiết thực cho Ukraine”, lưu ý rằng “hàng ngàn vũ khí chống tăng, hàng trăm tên lửa phòng không hàng ngàn vũ khí và đạn dược đang được gửi tới” Ukraine, theo hãng tin Sputnik.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn đài Al-Jazeera ngày 2-3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng không loại trừ nguy cơ xảy ra xung đột quân sự giữa Nga và khối NATO, đồng thời cho rằng “chiến tranh thế giới thứ ba sẽ là một cuộc chiến tranh hạt nhân tàn khốc” và sẽ là thảm họa cho nhân loại. Ông Lavrov nói rằng nếu Ukraine có được quyền tiếp cận vũ khí nguyên tử, Nga sẽ phải đối mặt với “nguy hiểm thực sự”.

Ngày 27-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh đặt các lực lượng hạt nhân của Nga vào tình trạng báo động cao, mà theo lời ông là phản ứng với các động thái mà ông cho là mang tính đe dọa của NATO với an ninh quốc gia Nga.

Tạp chí Foreign Policy dẫn ý kiến bà Emma Ashford - thành viên cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Scowcroft thuộc Hội đồng Đại Tây Dương (tổ chức phi đảng phái về sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, sự tham gia của Mỹ trong quan hệ với các đồng minh và đối tác) chia sẻ về lo ngại này. Bà Ashford đưa ra nhiều tình huống có thể leo thang thành xung đột giữa Nga và NATO: Các quốc gia thành viên NATO tự ý đưa quân vào Ukraine, xung đột ngẫu nhiên giữa NATO và lực lượng Nga ở các khu vực giáp biên giới, hoặc sự ăn miếng trả miếng của chiến tranh kinh tế hoặc chiến tranh mạng dẫn đến xung đột leo thang.

Trong đó, khả năng lớn nhất, theo nhiều nhà quan sát là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine hiện tại, nếu chiến dịch quân sự của Nga leo thang ra ngoài lãnh thổ Ukraine và vươn tới một trong những nước thành viên NATO sát Ukraine thì khối này hoàn toàn có lý do kích hoạt Điều 5 có phản ứng trực tiếp với Nga. Ukraine không phải là thành viên của NATO nhưng các nước Ba Lan, Hungry, Slovakia và Romania sát Ukraine là thành viên của NATO.

“Và rằng dù do thiết kế hay do ngẫu nhiên, một quả đạn pháo, tên lửa hoặc bom có thể rơi xuống Ba Lan hoặc một quốc gia NATO khác… và sau đó là viễn cảnh NATO có thể kích hoạt Điều 5 phòng thủ tập thể, làm tăng khả năng xung đột quân sự tiềm tàng giữa NATO và Nga” - GS Charles Kupchan về các vấn đề quốc tế tại ĐH Georgetown (Mỹ), thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ, chuyên nghiên cứu chính sách đối ngoại Mỹ và các vấn đề quốc tế), nói với ABC News.

Sẽ khó có cuộc chiến toàn diện

Tuần trước, NATO thông báo đã triển khai lực lượng ứng phó với khoảng 40.000 quân để cung cấp hỗ trợ trên bộ, trên không và hải quân cho toàn liên minh. NATO cho biết đây là lần đầu tiên lực lượng này được triển khai với “vai trò răn đe và phòng thủ”. Ngoài việc triển khai lực lượng phản ứng, NATO cũng cho biết đang triển khai một lữ đoàn phản ứng nhanh gồm 3.500 binh sĩ vốn có thể triển khai tác chiến trong thời gian ngắn trong khi chờ đơn vị lớn hơn tập hợp quân đội từ các nước thành viên.

Tổng thống Mỹ Joe Biden dù nhiều lần khẳng định rằng Mỹ sẽ không gửi quân đến Ukraine chiến đấu với Nga nhưng ông cũng nói rõ quan điểm là Mỹ sẽ “bảo vệ từng tấc lãnh thổ của NATO bằng toàn bộ sức mạnh của Mỹ”, theo đài ABC News.

Điều 5 - điều khoản chính của hiệp ước NATO có cụm từ “phòng thủ tập thể”, có nghĩa là một khi xuất hiện một cuộc tấn công vào một nước thành viên thì cuộc tấn công này được coi nhằm vào tất cả thành viên và NATO sẽ kích hoạt phản ứng tập thể để bảo vệ nước thành viên đó.

Lần đầu tiên Điều 5 được viện dẫn là sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ. Từ năm 1999, NATO đã xác định chủ nghĩa khủng bố là một nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh cả khối. Sau sự kiện 11-9 ở Mỹ, NATO đã tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố.

Dù lo ngại rủi ro chiến tranh nhưng đa số giới quan sát cũng tin tưởng mỗi bên sẽ không để tình hình leo thang đến mức này. Dù báo động lực lượng nhưng NATO vẫn khẳng định rằng “các biện pháp của chúng tôi đang và vẫn mang tính phòng ngừa, tương xứng và không leo thang”, đồng nghĩa NATO sẽ không là bên kích hoạt cuộc chiến trước.

Về phía Nga, dù cảnh báo nguy cơ nhưng Ngoại trưởng Lavrov cũng nói Nga không mong đợi chiến tranh xảy ra. Thứ trưởng Grushko cũng nói rằng Nga mong muốn thấy NATO thể hiện cho Nga thấy ý thức tránh xung đột. GS Kupchan cũng tin rằng ông Putin khả năng sẽ không quyết định phát động một cuộc tấn công vào một đồng minh NATO bởi vì ông ấy biết điều này sẽ dẫn tới một “cuộc chiến toàn diện” giữa Nga và NATO - điều không bên nào có lợi.•

“Thành thật mà nói, đây là một giai đoạn cực kỳ nguy hiểm” - bà EMMA ASHFORD, thành viên cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Scowcroft thuộc tổ chức Hội đồng Đại Tây Dương.

Mục tiêu của ông Putin xa hơn cả Ukraine?

Theo GS Kupchan, điều Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn ở NATO có vẻ xa hơn việc NATO phải đảm bảo không kết nạp Ukraine, mà đó là NATO phải “giảm sự hiện diện quân sự ở sườn phía đông, đó là ở ba nước Baltic (Estonia, Latvia, Lithuania), Ba Lan, Romania, Hungary, Slovakia”. “Ông ấy muốn thấy NATO thu năng lực của mình lại” - GS Kupchan nhận định.

Sở dĩ GS Kupchan nhận định như vậy vì ông cho rằng phía Nga biết rất rõ rằng NATO không có kế hoạch xem xét tư cách thành viên của Ukraine và các nước trong khối đã khá rõ ràng về điều đó, tuy nhiên ông Putin vẫn quyết định mở chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine.

Ông Matthew Kroenig, Phó Giám đốc Trung tâm Chiến lược và An ninh Scowcroft thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng với tình hình này thì ưu tiên hàng đầu của NATO là phải củng cố khối, vì khi Nga kiểm soát được toàn bộ Ukraine thì “đột nhiên sẽ có bảy đồng minh dễ bị tổn thương ở sườn phía đông của NATO”.

Ông Kroenig nói ông sẽ không ngạc nhiên nếu sau khi đạt được những bước tiến về quân sự ở Ukraine, ông Putin - khi đó cảm thấy rằng mình đang ở vị thế mạnh hơn - sẽ đưa ra những yêu cầu mới về tương lai của Ukraine cũng như kiến trúc an ninh châu Âu. Ví dụ, ông Putin có thể yêu cầu rằng các quốc gia vùng đệm giữa Nga và phương Tây phải chấp nhận một sự trung lập, giống như Thụy Sĩ.

Bà Ashford hình dung viễn cảnh “một châu Âu được quân sự hóa nhiều hơn, được phân chia dọc theo một đường ranh giới rõ ràng, giống như trong Chiến tranh lạnh”.

“Chúng ta đã nhận thấy sự gia tăng lực lượng quân sự của NATO ở Ba Lan và Baltics, và sự gia tăng hơn nữa là không thể tránh khỏi; ngay cả Thụy Điển trung lập từ lâu cũng đang cân nhắc việc gia nhập NATO. Như nhiều người đã chỉ ra, điều này khó có thể tốt cho Nga!” - bà Ashford nhận định.

Và nếu đúng như vậy thì chúng ta sẽ cần tất cả những thứ đã giúp giảm căng thẳng trong Chiến tranh lạnh: Các biện pháp xây dựng lòng tin, kiểm soát vũ khí và các cuộc thảo luận về kiến trúc an ninh rộng lớn hơn của châu Âu. Vì vậy, mặc dù cánh cửa ngoại giao có thể đóng lại vào lúc này nhưng nó sẽ lại mở ra và trở nên cấp bách hơn sau một cuộc xung đột lớn, theo bà Ashford.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm