Ngày 6-10, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM đã tổ chức hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp tham gia đầu tư lĩnh vực giáo dục, đào tạo với Sở GD&ĐT.
Hội nghị đối thoại đã thu hút sự tham gia của 108 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đào tạo trên địa bàn TP gồm các trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục kĩ năng sống, trung tâm tư vấn du học…
Khó khăn về thủ tục đất đai
Ông Nguyễn Bá Linh, Chủ tịch tập đoàn Việt Mỹ, cho biết công ty ông hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tại huyện Bình Chánh gần 10 năm với hơn 3.000 học sinh theo học.
“Hiện trường đang cấp bách mở rộng, xây cơ sở lưu trú cho cán bộ công nhân viên, giáo viên, học sinh. Chúng tôi đang nỗ lực chuyển mục đích sử dụng đất sang phục vụ việc xây dựng cơ sở lưu trú. Vừa rồi, chúng tôi có đi khảo sát vài địa điểm để mở cơ sở tuy nhiên chi phí cho giải phóng mặt bằng khá cao” - ông Linh nói.
Ngoài ra, trên địa bàn Vĩnh Lộc A, người dân tha thiết xây dựng trường cấp 2, cấp 3 để phục vụ việc học. Ông Linh cũng mong sớm được hỗ trợ giải quyết các vấn đề, thủ tục pháp lý để sớm thực hiện.
Cô Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng trường THPT Thăng Long, quận 5 xúc động khi giãi bày áp lực thiếu phòng học cho trẻ em nghèo trong khi số lượng các em có nhu cầu học ngày một tăng.
“Hiện tại có nhiều nhà hảo tâm có cơ sở vật chất muốn trao cho trường, để trường nâng cấp lên, phục vụ cho việc dạy học. Tuy nhiên vì đất của họ là đất dân cư, không phải là đất giáo dục nên họ không thể trao cho trường được” - bà Mai nói.
Đại diện Trường Mầm non Nam Mỹ, huyện Bình Chánh, ông Ngô Ngọc Luyến cho biết hai vấn đề mà trường đang gặp phải là việc đóng bảo hiểm xã hội và thuế.
Sau đại dịch COVID-19, nhiều cán bộ, giáo viên nghỉ việc. Những người ở lại mong muốn được tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, mức thuế ở thời điểm hiện tại cũng là điều nhà trường lo lắng. Ông hy vọng sắp tới TP sẽ có những hỗ trợ, giải pháp để trường vượt qua thời điểm khó khăn.
Cùng trăn trở vấn đề này, bà Đào Thị Tin, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phúc, cho biết sau dịch COVID-19, số lượng giáo viên đi dạy còn nhiều hơn số lượng học sinh đi học.
Cùng với đó kéo theo nỗi lo chi trả thu nhập và đóng bảo hiểm xã hội cho các giáo viên. Mặc dù đã cố gắng xoay sở nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc khiến doanh nghiệp bà phải đóng phạt do chậm đóng bảo hiểm xã hội.
Cập nhật, nắm bắt các quy định pháp luật
Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu ghi nhận các ý kiến đóng góp tại hội nghị. Giám đốc Sở đề nghị các phòng, ban liên quan nghiêm túc lắng nghe, trao đổi với các nhà đầu tư ngoài công lập, doanh nghiệp để cùng tháo gỡ.
Hiện số lượng học sinh mầm non đang theo học ở các cơ sở ngoài công lập chiếm hơn 50%, còn THPT chiếm gần 20%.
Qua đó cho thấy, các nhà doanh nghiệp tham gia giáo dục và đào tạo ngoài công lập không chỉ chia sẻ áp lực gia tăng dân số mà còn đáp ứng đa dạng nhu cầu học tập của người dân TP.
Ngoài ra, Giám đốc Nguyễn Văn Hiếu nhìn nhận vẫn còn nhiều nhà đầu tư chưa cập nhật được các văn bản pháp luật của ngành, như quy định dạy thêm học thêm, quy định quản lý lao động nước ngoài…
“Các doanh nghiệp phải cập nhật, nắm chặt chẽ hơn các quy định, văn bản quy phạm pháp luật để cùng với TP thực hiện đúng và đầy đủ, giúp cho chất lượng giáo dục của TP ngày càng được đảm bảo” - ông Hiếu nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhấn mạnh việc lắng nghe các ý kiến của các doanh nghiệp là điều cần thiết, qua đó phải có hướng dẫn, giải quyết cụ thể cho doanh nghiệp.
“Lãnh đạo TP sẽ tiếp tục kiến nghị cơ quan cấp trên bổ sung, sửa đổi một số quy định còn bất cập, linh hoạt hỗ trợ trong quá trình giải quyết các thủ tục, hồ sơ pháp lý cho các doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn” - Phó Chủ tịch Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Dương Anh Đức cũng yêu cầu Sở GD&ĐT TP.HCM mở thêm nhiều kênh tiếp nhận thông tin, thường xuyên phản hồi cho các doanh nghiệp, công khai thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Sở GD&ĐT.