Lao động người Việt vượt khó ở xứ người

(PLO)- Nhiều lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động, làm việc ở nước ngoài đang gặp khó khăn khi việc làm ít đi, thu nhập giảm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chỉ ngủ khoảng 3 tiếng mỗi ngày, “cõng” ba công việc một lúc là tình trạng diễn ra gần một năm nay của Lê Tiến Sơn (24 tuổi, quê Thanh Hóa) để thích nghi với tình hình kinh tế ngày một khó khăn.

Tiết kiệm hết sức mới có tiền gửi về

Sang Hàn Quốc xuất khẩu lao động từ năm 2021, công việc chính của Sơn là làm việc tại một nông trại ở Gyeongsang Bắc. Dù công việc nặng nhọc nhưng bù lại Sơn có thể kiếm được khoảng 37 triệu đồng/tháng.

Sau hai năm tương đối ổn định, một năm nay giá thuê nhà và chi phí sinh hoạt tăng nhanh. Sơn buộc phải làm thêm, chắt bóp các khoản chi tiêu mới đủ trang trải cuộc sống và mục tiêu tiết kiệm đã đề ra.

Xuất khẩu lao động gặp khó dịp cuối năm.
Xuất khẩu lao động gặp khó dịp cuối năm. Trong ảnh: Nguyễn Thị Hoa, thường tự đạp xe đến siêu thị vào cuối ngày để mua được thực phẩm giảm giá. Ảnh: NVCC

Không chọn đi làm “chui” như một số người, Sơn tranh thủ nhận làm đồ họa online, đồng thời tích cực “săn” mỹ phẩm giảm giá bán cho những người Việt ở Hàn Quốc qua mạng. “Thiếu ngủ, làm việc nhiều, sức khỏe của tôi bị ảnh hưởng không nhỏ. Nhưng nếu không làm vậy sẽ khó có dư ra để gửi về nhà” - Sơn tâm sự.

Tính đến tháng 12 này, Nguyễn Thị Hoa (19 tuổi, quê Nghệ An) sang Nhật Bản theo diện thực tập sinh được chín tháng. Hiện Hoa đang làm việc trong một nông trại ở Fukuoka với mức lương mỗi tháng 18 triệu đồng.

8.583 là số lao động tại TP.HCM đi làm việc ở nước ngoài trong 11 tháng năm 2023.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi học xong cấp III, gia đình Hoa vay mượn được 200 triệu đồng để cô sang Nhật làm việc, mong cuộc sống sẽ khá hơn. Khi đồng yen mất giá, chi phí sinh hoạt tăng trong khi công việc giảm, không có tăng ca. Hoa thắt chặt các khoản chi tiêu, thường đợi đến cuối ngày mới đi mua thực phẩm giảm giá.

Cũng tại Nhật Bản, thực tập sinh Trần Quỳnh Thy (22 tuổi, quê Quảng Nam) gắn bó với công việc chăm sóc người cao tuổi một năm nay. Giống như Hoa, Thy chật vật hơn trước khi mọi chi phí đều tăng trong khi việc giảm, tăng ca không đáng kể, tiền thưởng ít đi.

“Trước kia, một lần thưởng bằng gần hai tháng lương là bình thường. Giờ hầu như trông vào tiền lương khoảng 30 triệu đồng tiền Việt Nam mỗi tháng nên phải tiết kiệm hết sức mới có chút tiền gửi về. Thực tập sinh chỉ được làm duy nhất một công việc, song song là học nâng cao tiếng Nhật nên tôi không dám ra ngoài làm thêm” - Thy chia sẻ.

Xuất khẩu lao động sang nước ngoài cuối năm giảm

Anh Ngô An Khanh, đại diện Công ty Tư vấn xuất khẩu lao động Thăng Long, cho biết thời điểm cuối năm nay, số người có nhu cầu tư vấn xuất khẩu lao động có xu hướng chững lại, giảm hơn so với cùng kỳ những năm trước.

P13_xuat-khau-lao-dong_h2.jpg
Trần Quỳnh Thy (bên phải) cùng các thực tập sinh thực hành chăm sóc người cao tuổi khi mới sang Nhật Bản. Ảnh: NVCC

Cũng theo anh Khanh, trong tình hình khó khăn chung như hiện nay, nhiều người rất e ngại, cân nhắc khi sang nước ngoài làm việc do không đảm bảo có thu nhập như mong muốn.

“Hằng tháng, công ty đều tuyển dụng 20-30 lao động có nhu cầu xuất khẩu lao động sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… nhưng đáng nói là tuyển vẫn không đủ số lượng” - anh Khanh chia sẻ.

Theo PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), người lao động khi sang làm việc ở nước ngoài phải đầu tư một khoản tiền lớn. Nhiều trường hợp trong số đó phải vay tiền mới đi được. Do đó, dù có khó khăn thế nào họ cũng buộc mình phải vượt qua để tiếp tục làm việc.

“Trong giai đoạn kinh tế khó khăn chung như hiện nay, không chỉ tình hình lao động, việc làm trong nước gặp khó khăn mà những lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động, làm việc tại nước ngoài cũng bị ảnh hưởng. Do đó, các bạn trẻ nên suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định để không phải thất vọng khi không đạt được mức lương như mong muốn” - ông Lộc khuyến cáo.

Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 70 doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động. Thu nhập bình quân hằng tháng của người lao động ở nước ngoài khoảng 15-28 triệu đồng. Người lao động đi làm việc chủ yếu chưa qua đào tạo, phần lớn là lao động phổ thông, làm những công việc đơn giản. Số người có trình độ từ trung cấp trở lên chiếm tỉ lệ chưa cao.

Trước năm 2020, bình quân mỗi năm các doanh nghiệp đưa 10.000-14.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Từ năm 2020 đến nay, con số này giảm mạnh.

HUỲNH LÊ NHƯ TRANG, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm