Hãng Reuters ngày 2-10 dẫn nguồn tin từ các thương nhân địa phương cho hay các công dân Triều Tiên lao động tại Trung Quốc đã bắt đầu rời khỏi TP biên giới Đan Đông theo sau loạt trừng phạt mới nhất nhằm ngăn Bình Nhưỡng kiếm ngoại tệ.
Hiện có gần 100.000 công nhân Triều Tiên tại nước ngoài, trong đó số đông là tại Trung Quốc và Nga. Trung bình mỗi năm, lực lượng này đem về cho chính phủ Triều Tiên khoảng 500 triệu USD thông qua việc khấu trừ từ tiền lương của họ.
Đan Đông là một TP 800.000 dân nằm dọc con sông Áp Lục (Triều Tiên gọi là song Yalu) giữa biên giới Trung Quốc – Triều Tiên. Đây là nơi có một loạt nhà hàng và khách sạn thuê các bồi bàn và những người trình diễn âm nhạc Triều Tiên. Những bài hát và điệu múa đặc sắc của họ là một điểm thu hút khách du lịch.
Một nữ bồi bàn Triều Tiên làm việc tại một nhà hàng Trung Quốc ở TP Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, hàng ngàn công nhân nữ Triều Tiên được thuê làm công ăn lương tại các nhà máy may mặc và điện tử ở Đan Đông. Một phần lớn từ số lương họ nhận sẽ chạy trực tiếp về túi tiền của chính phủ Triều Tiên.
Wing Cafe, một tiệm cà phê tại TP Đan Đông, từng quảng cáo ở phía trước quán rằng họ có những nữ bồi bàn Triều Tiên xinh đẹp. Tuy nhiên, biển quảng cáo hiện đã biến mất. Nhân viên tại quán này thì cho biết các nữ bồi bàn Triều Tiên đã về quê trong những tuần trở lại đây sau khi thị thực của họ hết hạn.
“Ngoài ra cũng có những thay đổi trong chính sách của chính phủ. Chúng tôi không tiện nói thêm về chúng” – chủ một nhà hàng tại TP Đan Đông trả lời phỏng vấn.
Các video được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc gần đây dường như cho thấy hàng trăm phụ nữ Triều Tiên đang đợi thành hàng dài để làm thủ tục hải quan tại Đan Đông. Sáng 29-9 vừa qua, phóng viên Reuters cho biết cũng nhìn thấy một nhóm gồm khoảng 50 phụ nữ Triều Tiên đang đợi quá cảnh.
Ảnh chụp ngày 4-9-2017 cho thấy một xe vận tải chạy về phía Trung Quốc trên cầu hữu nghị Trung - Triều ở TP Đan Đông, đối diện thị trấn Sunuiju của Triều Tiên. Ảnh: AFP
Bốn thương nhân địa phương nói với Reuters rằng công tác kiểm tra và kiểm soát tại biên giới Trung Quốc hiện cũng được thắt chặt nhằm tránh các hàng hóa tuồn qua lại biên giới hai nước.
Để phản ứng với vụ thử hạt nhân lần sáu của Triều Tiên, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 11-9 đã thông qua nghị quyết trừng phạt thứ 9, trong đó có nội dung cấm thuê lao động Triều Tiên. Trước đó, nghị quyết hôm 5-8 chỉ yêu cầu giới hạn số lao động Triều Tiên được thuê.
Lệnh trừng phạt cũng yêu cầu đóng cửa các công ty liên doanh với Triều Tiên, cấm nhập khẩu hàng may mặc của Triều Tiên. Trong tuyên bố hôm 28-9, Bộ Thương mại Trung Quốc đã yêu cầu thực thi nghị quyết trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc trên khắp nước này trong vòng 120 ngày.
Lệnh trừng phạt cho phép các công nhân Triều Tiên hoàn thành hợp đồng hiện còn thời hạn. Những người làm kinh doanh tại Đan Đông cho biết các hợp đồng không thể được làm mới, đồng thời thị thực mới cũng không được cấp.
Một nhân viên giám sát Trung Quốc làm việc tại một nhà máy chế thiết bị điện cho biết trong khi hầu hết 300 lao động Triều Tiên ký hợp đồng lao động dài năm hết hạn thị thực ở các thời gian khác nhau thì những người đến sau ngày 5-8 đã bị buộc rời.
“Động thái này gây ra ảnh hưởng lớn bởi lẽ nền kinh tế Đan Đông phụ thuộc rất nhiều vào giao thương qua biên giới” – một thương nhân Trung Quốc nói.