“Dựa theo sắc lệnh tôn giáo của lãnh đạo Iran Ayatollah Ali Khamenei, Tehran hoàn toàn phản đối bất kỳ chương trình sản xuất vũ khí tiêu diệt hàng loạt nào” - hãng tin Sputnik ngày 6-9 dẫn lời nghị sĩ Morteza Saffari Natanzi, thành viên Ủy ban an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Quốc hội Iran, nói trong một cuộc phỏng vấn.
Do đó, nghị sĩ Iran cho biết Tehran mạnh mẽ lên án vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng và bày tỏ quan ngại về số vũ khí hạt nhân ngày một tăng của Triều Tiên. Tuy nhiên, ông nói rằng các vụ thử tên lửa của Triều Tiên là cách thức để nước này truyền thông điệp tới Mỹ rằng Bình Nhưỡng thật sự mạnh và Washington không thể phát động một cuộc tấn công Bình Nhưỡng mà không đối mặt với hậu quả trực tiếp.
“Như những gì chúng ta thấy, các hệ thống tên lửa Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á vẫn chưa thể chế ngự các tên lửa của Triều Tiên và đây là một thất bại lớn đối với Lầu Năm Góc” - ông Natanzi nói.
Nghị sĩ Morteza Saffari Natanzi, thành viên Ủy ban An ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Quốc hội Iran. Ảnh: AGCIS
Nghị sĩ Iran nói rằng các lo ngại của Bình Nhưỡng về chính sách gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump là điều dễ hiểu, đồng thời Triều Tiên sẽ tiếp tục thử hạt nhân nếu Mỹ không thay đổi chính sách của nước này về Triều Tiên.
Quan chức Iran nhận định sở dĩ căng thẳng hiện tại trên bán đảo Triều Tiên có thể được giải quyết thông qua các cuộc đối thoại trung gian hòa giải giữa Seoul, Tokyo và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nếu không vì những bình luận có tính chất khích động của ông Trump.
“Tình trạng mất an ninh và chiến tranh ở Đông Bắc Á sẽ nhấn chìm tất cả quốc gia ở khu vực này. Chiến tranh sắp xảy ra nếu hai bên không nối lại các cuộc đối thoại chính trị” - ông Natanzi cảnh báo.
Kết lại, nghị sĩ Iran nhấn mạnh Mỹ phải đặt dấu chấm hết cho những đe dọa của nước này nhằm vào Triều Tiên nếu Washington thật sự muốn Bình Nhưỡng dừng thử nghiệm tên lửa. Ông nói rằng Mỹ-Triều cũng có thể đạt được lợi ích từ một kế hoạch tương tự Iran và phương Tây đã ký kết.
Theo Sputnik, Iran hiện có một chương trình hạt nhân, trong đó gồm một lò phản ứng để nghiên cứu, các mỏ uranium, thiết bị xử lý uranium và các nhà máy làm giàu uranium. Suốt nhiều thập niên, Iran nói rằng chương trình hạt nhân của nước này đơn thuần phục vụ mục đích dân sự, có lợi cho hòa bình. Tuy nhiên, Mỹ và Liên Hiệp Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Iran vì cho rằng Tehran đang bí mật phát triển một chương trình vũ khí hạt nhân.
Tháng 7-2015, Iran, năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Đức và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí rằng Iran sẽ hạn chế dài hạn chương trình hạt nhân mà phương Tây nghi ngờ nhằm chế tạo bom hạt nhân và đổi lại các lệnh trừng phạt do Mỹ, EU và Liên Hiệp Quốc áp đặt sẽ được dỡ bỏ.