Lập luận của ông Trần Trọng Tuấn khi tranh luận với VKS

Chiều muộn 15-12, TAND TP.HCM cho bị cáo Trần Trọng Tuấn (cựu giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM) đối đáp với VKS trong vụ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí, tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).
Sau hai luật sư, bị cáo Tuấn nghẹn ngào cảm ơn VKS về thái độ sẵn sàng tranh luận đến cùng vụ án, nêu các vấn đề liên quan đến nhận thức và áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án công tâm, khách quan đúng quy định.

“Hơn một năm từ bị can đến bị cáo, việc có ý kiến chỉ mong để làm rõ, hiểu hơn chứ không phải là không thành khẩn. Nghe ý kiến của VKS rất đau lòng, đừng xem điều tôi nói, điều tôi thực hiện quyền, nghĩa vụ bị cáo tại toà là điều gì đó không bình thường, để làm nặng thêm tình trạng bị cáo” - ông Tuấn nói.

Ông Trần Trọng Tuấn. Ảnh: N.NHI

Bị cáo Tuấn nói cảm thấy rất đau đớn, hơn một năm qua ông và anh em cũng đau đớn đến tận cùng về sự việc này.

Đối đáp về sự thành khẩn, bị cáo Tuấn cho biết hiểu việc thành khẩn là thế nào, là nói đúng sự thật khách quan vụ án. Trước toà, bị cáo không có lựa chọn nào khác là nói đúng về nhận thức và áp dụng pháp luật trong quá trình thực hiện công vụ.

Ông Tuấn nhấn mạnh: “Trong quá trình điều tra đến trước ngày xét xử, bị cáo rất trăn trở, lời trình bày tại toà cũng là chứng cứ xét xử xem có tội hay không?”.

Bị cáo lấy ví dụ trong quá trình điều tra, ông có nhận vi phạm dự án chưa đủ điều kiện hạ tầng vẫn chấp nhận chuyển nhượng. Và khi ra kết luận điều tra, CQĐT vẫn sử dụng lời khai này. Nhưng qua cáo trạng, loại lời khai này vì không đúng. Đây là một sự thay đổi của cơ quan tố tụng.

"Đó cũng là quá trình nhận thức pháp luật khi giải quyết vụ án"- ông Tuấn dẫn chứng và nói cá nhân ông cũng vậy. Đứng trước một hệ thống pháp luật quản lý vốn nhà nước, đầu tư, quản lý kinh doanh tại doanh nghiệp tưởng đầy đủ, toàn diện nhưng lại rời rạc, dẫn đến nguy cơ hiểu sai. Như ngay tại toà, giám định viên cũng nhận sai, thiếu sót.

Tại phiên toà, ông Tuấn có hai luật sư bào chữa. Ảnh: N.NHI

“Có những lúc tôi muốn buông hết đi, số phận đã như vậy. Nhưng tôi nghĩ không phải mình tôi, nếu tôi chết đi thì dễ lắm, nhưng tôi phải giữ sức khoẻ, phải sống để nói lên sự thật. Nếu tôi nói sai thì cơ quan tố tụng cũng nói cho tôi biết tôi sai rồi. Vì tôi mất hết rồi, giờ tôi cần được nói” - ông Tuấn trần tình.

Về việc chuyển nhượng dự án phát triển Khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 (nay là TP Thủ Đức) có phải đấu giá không, quá trình điều tra ông thấy sai. Nhưng sau nghiên cứu lại, ông thấy không phải. Ông Tuấn cho rằng nếu sai mà có cơ sở pháp lý thuyết phục thì không dám nói câu nào nữa.
“Mình dốt, mình dở, mình chịu, cố ý làm sai thì chịu sự trừng trị pháp luật. Nhưng ra phiên toà này, trên cơ sở nghiên cứu rõng rã nhiều tháng trời tôi mong muốn trình bày để HĐXX và VKS hiểu” - ông Tuấn nghẹn lại.
Ông cũng cho rằng đã đọc hết các luật, nghị định và nhận thấy việc đầu tư vốn Nhà nước ra ngoài doanh nghiệp có nhiều hình thức.
Kết thúc phần đối đáp, ông Tuấn trình bày thêm: Nói về nhận thức, áp dụng pháp luật không phải quanh co chối tội để lãnh gì đó xấu. Khi sự việc xảy ra tôi nói không ai tin, tôi nhắn tin gọi điện tất cả đều tránh. Tôi đau lòng nín lặng chờ đến nay ra tòa để nói, nói đúng thì bảo vệ, nói sai xử lý theo quy định, tôi không xin gì hết”.
Ngày mai, 16-12, phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm