Chiều 13-12, TAND TP.HCM tiếp tục phần luật sư bào chữa trong vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí, tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).
Trong luận tội, VKS cho rằng ông Trần Vĩnh Tuyến với vai trò là Phó chủ tịch UBND thành phố, buộc phải biết dự án nhà ở 3,75 ha tại phường Phước Long B, quận 9 (nay thuộc TP Thủ Đức) là thành phố giao cho Sagri quản lý, trước khi chuyển nhượng phải thẩm định giá theo giá thị trường, thực hiện đấu giá…
Tuy nhiên, bị cáo vẫn ký quyết định chấp thuận khi Sagri chưa đủ các điều kiện này. Đây là văn bản có tính quyết định để bị cáo Lê Tấn Hùng (tổng giám đốc SAGRI) và đồng phạm thực hiện hành vi sai phạm gây thiệt hại 672 tỉ đồng của Nhà nước.
VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Tuyến 7-8 năm tù về tội về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.
VKS cáo buộc ông Tuyến và các đồng phạm gây thiệt hại 672 tỉ. Ảnh: H.YẾN
Luật sư Phan Trung Hoài đề nghị xem xét lại việc xác định hậu quả thiệt hại vụ án vì việc quy buộc thiệt hại 672 tỉ đồng dựa vào kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở trung ương là không bảo đảm căn cứ pháp lý.
Cáo trạng xác định thiệt hại tại thời điểm CQĐT phát hiện, ngăn chặn và khởi tố vụ án. Theo đó, thiệt hại 672 tỉ tính từ 864,62 tỉ là giá trị quyền sử dụng đất đã có hạ tầng tại thời điểm khởi tố vụ án - 168,21 tỉ đồng là giá trị chuyển nhượng toàn bộ dự án - 20 tỉ đồng là lợi thế thương mại theo thỏa thuận - 4,2 tỉ đồng là tiền thuế GTGT. Trong khi đó, kết luận giám định theo giám định viên Bộ Tài chính kết luận thiệt hại do SAGRI ký hợp đồng chuyển nhượng nêu trên chưa có cơ sở kết luận thiệt hại.
Kết luận điều tra đề nghị truy tố (điều tra bổ sung) còn xác định hậu quả thiệt hại theo hai phạm vi. Một là thiệt hại làm căn cứ xử lý hình sự được xác định là thời điểm thực hiện hành vi phạm tội đến khi tội phạm hoàn thành (thời điểm chuyển nhượng dự án). Hai là thiệt hại để xem xét trách nhiệm về mặt dân sự được xác định là thời điểm tội phạm bị phát hiện, ngăn chặn.
Luật sư Hoài nói về mặt pháp lý, dẫn khoản 1 Điều 85 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và các nghị định liên quan điều chỉnh quy định về nguyên tắc định giá tài sản là phù hợp với giá thị trường của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự với tài sản cần định giá tại thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá, chứ không có quy định nào bắt buộc việc định giá tài sản trong tố tụng hình sự phải dựa vào thời điểm khởi tố vụ án.
Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến. Ảnh: H.YẾN
Nhằm ngăn chặn việc chuyển nhượng dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ngay từ trước khi khởi tố vụ án và khởi tố bị can Tuyến, thực hiện yêu cầu của CQĐT, Sở Tài Nguyên Môi Trường đã chỉ đạo cập nhật trên hệ thống thông tin tại Văn phòng Đăng ký đất đai TP “Tạm dừng các giao dịch liên quan đến khu đất tại dự án…, giữ nguyên tình trạng pháp lý”.
Như vậy, cả về mặt pháp lý và trên thực tế, hợp đồng chuyển nhượng dự án bị coi là vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật. Giao dịch chuyển nhượng dự án đã được ngăn chặn, quyền sở hữu dự án cập nhật trên giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền trên đất và quyền sử dụng đất đã bị hạn chế, nên chưa phát sinh hậu quả thiệt hại và thực tế thiệt hại nếu có đã được ngăn chặn liên quan việc chuyển nhượng dự án này.
Nói cách khác, trong vụ án này, toàn bộ giao dịch chuyển nhượng giữa Sagri và Phong Phú đã bị hủy bỏ, tài sản Nhà nước là giá trị quyền sử dụng đất và các tài sản khác gắn liền với đất đối với dự án của Sagri đã không bị mất đi và Phong Phú không thể đương nhiên trở thành sở hữu giá trị quyền sử dụng đất của dự án.
Luật sư bào chữa cho bị cáo. Ảnh: H.YẾN
Trong trường hợp này, Sagri không bị thiệt hại do hợp đồng chuyển nhượng đã bị hủy bỏ trước thời điểm khởi tố vụ án, nên cáo trạng căn cứ vào Kết luận của hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở trung ương quy buộc trách nhiệm của các bị can, trong đó có ông Tuyến gây thiệt hại cho Nhà nước 672 tỉ là chưa bảo đảm căn cứ cả về mặt pháp lý và trên thực tế.
Luật sư cũng dẫn một quyết định giám đốc thẩm của hội đồng thẩm phán TAND Tối cao vụ án khác nêu trên là thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, tuyệt nhiên không thể căn cứ theo thời điểm khởi tố vụ án được. Do đó, trong trường hợp VKS xác định có hậu quả thiệt hại do hành vi sai phạm của các bị cáo, luật sư đề nghị HĐXX cần xem xét theo đúng quy định của pháp luật.
(PLO)- Theo giám định viên, khi ban hành kết luận giám định thì có phần quản lý vốn nhưng sau khi tham gia phiên tòa thì nhận ra rằng việc quản lý vốn nằm ngoài chức năng nhiệm vụ của Bộ Xây dựng.