Vụ SAGRI: VKS nói thiệt hại của vụ án còn kéo dài

Sáng 15-12, TAND TP.HCM cho đối đáp vụ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí, tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).
Đại diện VKS khẳng định cáo buộc là có căn cứ đối với các bị cáo bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí.
VKS nhấn mạnh vào việc thiệt hại vụ án và cho rằng đến lúc này chỉ được coi là đã ngăn chặn, chưa thể coi khắc phục hậu quả vụ án vì còn chờ tòa hủy hợp đồng công chứng giữa SAGRI chuyển nhượng dự án cho Tổng công ty Phong Phú, rồi thi hành án xong mới nói là thu hồi được.

Đại diện VKS phát biểu tại tòa. Ảnh: H.YẾN

Theo VKS, việc xác định giá trị thiệt hại 672 tỉ đồng là hoàn toàn đúng. Giá trị chuyển nhượng theo Hội đồng định giá tố tụng hình sự Trung ương là giá trị tại thời điểm đã hơn 500 tỉ đồng - 168 tỉ đồng (giá trị hai công ty chuyển nhượng) thì thiệt hại 332 tỉ. Theo Nghị quyết 03 của Hội thẩm đồng thẩm phán TAND Tối cao và bản chất vụ án, giá trị chênh lệch thấp cao xem xét đến lợi ích các bên hướng đến. Thiệt hại còn kéo dài, thậm chí còn thiệt hại tiếp.

VKS nêu cách đây hơn 2 năm giá hơn 800 tỉ, giờ giá đất còn hơn. VKS cáo buộc đã áp dụng có lợi tại thời điểm ngăn chặn khởi tố, nếu áp dụng vào lúc thu hồi được thì giá trị đất là khác. Từ đó, VKS phản bác việc luật sư nói "trả lại tài sản là không thiệt hại".

Nói thêm, đại diện VKS cho rằng nguyên tắc của việc chuyển nhượng dự án là có quyền sử dụng đất kèm theo. Trong vụ án này, các bị cáo SAGRI có ký công chứng chuyển nhượng cho Tổng công ty Phong Phú nên hợp đồng này phải do toà án hủy. Các bên tự thoả thuận nhưng đến nay hợp đồng đó vẫn đang có hiệu lực…
Cạnh đó, hành vi phạm tội là một quá trình từ năm 2015 đến tận giữa năm 2018, giai đoạn nào thì áp dụng văn bản pháp luật có hiệu lực tại giai đoạn đó. VKS nêu để bác lại việc luật sư và bị cáo Trần Trọng Tuấn (nguyên giám đốc Sở Xây dựng) nói dùng luật hết thời hiệu và kết luận giám định không có căn cứ.

Bị cáo Tuấn và bị cáo Tuyến. Ảnh: H.YẾN

Đại diện VKS cho rằng với nhóm tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí là cả quá trình chứ không chỉ một vài tháng, chỉ có điều thời điểm nào thì vận dụng pháp luật thời điểm đó. Việc VKS sử dụng Nghị định 71/2013 là thời điểm xảy ra hành vi phạm tội, nghị định đó vẫn còn hiệu lực.
Theo VKS, vụ án không gì quá phức tạp và không phục thuộc vào các kết luận giám định vì đây không phải lĩnh vực bắt buộc phải giám định. Cơ quan điều tra đã thận trọng trưng cầu giám định các Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, các kết quả này chỉ được sử dụng khi nó phù hợp với các quy định pháp luật khác. VKS cũng cho rằng các bị cáo sai phạm rất rõ, sai từ đầu đến cuối.
VKS xác định bị cáo Tuấn với vai trò giám đốc sở, chủ tịch Hội đồng thẩm định của TP về chuyển nhượng dự án và bị cáo Phan Trường Sơn trưởng phòng, thành viên hội đồng đã tham gia vào quá trình xử lý đề xuất. Hồ sơ xin chuyển nhượng này không quá 50 trang A4, bao gồm các tài liệu, cả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng quá trình giải quyết có ba điểm sai chính.
VKS phân tích điều kiện chuyển nhượng dự án phải hoàn thành thực hiện nghĩa vụ tài chính. Nhưng bị cáo Tuấn ký biên bản đề xuất bất chấp việc Chi cục Tài chính doanh nghiệp có cho chuyển nhượng hay không và hướng dẫn thế nào. Trong khi đó, hồ sơ bao gồm chuyển nhượng vốn nhà nước ra ngoài đầu tư, quyền sử dụng đất và giá trị toàn bộ dự án.
Cái sai của bị cáo Tuấn thể hiện ở chỗ phải biết mục nguồn vốn, tiến trình và phải đấu giá dự án. Bị cáo không thể đổ trách nhiệm cho cấp dưới và doanh nghiệp SAGRI.
VKS cho rằng bào chữa chỉ dẫn Luật kinh doanh bất động sản là không đúng, không đầy đủ. Bởi quy định chuyển nhượng toàn bộ hoặc 1 phần có quyền sử dụng đất theo Luật đất đai phải định giá chuyển nhượng vốn kèm theo và phải đấu giá. Từ đó, VKS khẳng định bị cáo cố ý và biết sai vẫn làm.
Về động cơ mục đích, VKS nêu bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM, bị tạm đình chỉ công tác) và bị cáo Tuấn khai không vụ lợi; VKS và CQĐT đã làm rõ có hay không, minh chứng việc các bị cáo biết sai vẫn phạm. Việc vụ lợi là chưa xác định, có hay không chính các bị cáo rõ nhất nên các bị cáo phải tự hỏi mình về việc có động cơ vụ lợi hay không.
Về việc nể nang, cơ quan điều tra không yêu cầu khai và quá trình điều tra, các bị cáo không bị bức cung, nhục hình mà cùng nhau khai nể nang ông Lê Thanh Hải (anh trai của bị cáo Lê Tấn Hùng, cựu bí thư thành ủy, ủy viên Bộ Chính trị).
Tại phiên tòa, các bị cáo khai tiền hậu bất nhất việc chuyển nhượng dự án có chuyển nhượng vốn không. Buổi sáng, một kiểm sát viên hỏi thì các bị cáo nói có mới đi hỏi ý kiến. Buổi chiều, một kiểm sát viên khác hỏi thì các bị cáo quay 180 độ, không biết có chuyển nhượng nguồn vốn góp về đầu tư doanh nghiệp.
VKS xác định bị cáo Tuấn chỉ thành khẩn quá trình điều tra, còn tại tòa th2i bị cáo quanh co chối tội. VKS nhắc: đến trước khi tuyên án, bị cáo vẫn có thể thể hiện thái độ thành khẩn.
Vị đại diện VKS còn cho rằng bị cáo Tuyến và bị cáo Tuấn chưa dũng cảm thừa nhận sai phạm so với cấp dưới, thể hiện thái độ chối bỏ trách nhiệm. Việc các bị cáo nói Quyết định 6077 về việc chấp nhận cho chuyển nhượng là không sai, sau đó lại đề nghị hủy là mâu thuẫn….
Chiều nay, các luật sư sẽ đối đáp lại các quan điểm của VKS.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm