Sáng 13-12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xử vụ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí, tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).
Trước khi vào phần tranh luận, luật sư Phan Trung Hoài, bào chữa cho bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, tham gia xét hỏi thêm đối với giám định viên thuộc Bộ Xây Dựng.
Luật sư đặt câu hỏi với giám định viên về có quy định nào yêu cầu hồ sơ bắt buộc phải thẩm định giá và thực hiện nghĩa vụ tài chính không? Hồ sơ chuyển nhượng giữa SAGRI và Công ty Phong Phú đối chiếu với Điều 51 Luật kinh doanh bất động sản thì đã đủ điều kiện để ra quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án hay không?
Các luật sư tại toà. Ảnh: N.NHI
Trả lời, giám định viên nói theo Luật kinh doanh Bất động sản, chủ đầu tư gửi bộ hồ sơ đến UBND tỉnh, trong thời hạn 30 ngày ban hành quyết định cho phép chuyển nhượng hoặc không bằng văn bản. Trong thời hạn 30 ngày cho phép chuyển nhượng thì hoàn thành và bàn giao chuyển nhượng dự án…
Luật sư hỏi: "Nếu vậy, giám định viên đánh giá thế nào về kết luận giám định mình đã ban hành?”.
Theo giám định viên, khi ban hành kết luận giám định thì có phần quản lý vốn nhưng sau khi tham gia phiên tòa thì nhận ra rằng việc quản lý vốn nằm ngoài chức năng nhiệm vụ của Bộ Xây dựng. Kết luận đã kết luận rồi và xác nhận có sai sót. “Tôi ghi nhận có sai sót, mong HĐXX xem xét việc này” - vị này nói.
Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến. Ảnh: N.NHI
Chủ tọa đặt vấn đề với giám định viên rằng căn cứ theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản, đối với dự án nhà ở phường Phước Long B thì quyết định của UBND TP.HCM là quyết định chuyển nhượng hay quyết định chủ trương chuyển nhượng?
Giám định viên nói rằng theo đúng mẫu và từ ngữ của Luật Kinh doanh bất động sản và các nghị định khác thì quyết định này được gọi là quyết định về chấp thuận chuyển nhượng dự án. Chủ tọa hỏi lại quyết định này là chấp thuận cho chuyển nhượng hay là chủ trương. Giám định viên xin phép được nghiên cứu lại và trả lời sau.
Trước đó, bị cáo Trần Trọng Tuấn (cựu giám đốc Sở xây dựng) trong quá trình xét hỏi mong HĐXX xem xét lại kết luận giám định. Theo bị cáo, bản chất là SAGRI phải chuyển nhượng vốn ra ngoài doanh nghiệp nhưng dự án này không phải đầu tư cho một pháp nhân mới, mà thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh do SAGRI làm chủ đầu tư. Để chuyển nhượng vốn ra ngoài doanh nghiệp thì phải làm thủ tục chuyển nhượng dự án trước, chấm dứt quyền và nghĩa vụ, lúc đó mới có địa chỉ để chuyển nhượng vốn. Vốn này là giá trị quyền sử dụng đất và vốn đầu tư trên đất.
Từ đó, ông Tuấn cho rằng vụ án có sự bất cập trong nhận thức áp dụng pháp luật. Luật kinh doanh bất động sản và Luật quản lý vốn nhà nước cùng được ban hành trong 1 năm nhưng khi xử lý vấn đề chuyển nhượng vốn, dự án bất động sản của doanh nghiệp nhà nước thì không có quy định.
Ngoài ra, Điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản, điều kiện tiến độ hạ tầng kỹ thuật chỉ áp dụng đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, chứ không áp dụng với dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở. Điều này cũng không quy định về nghĩa vụ tài chính khi xem xét thẩm định, chuyển nhượng dự án bất động sản.