Kể từ tháng 5-2019, Trung Quốc (TQ) liên tiếp cử các đội tàu quấy rối các hoạt động khai thác kinh tế của Malaysia, Philippines, Việt Nam. Mô típ chung của Bắc Kinh là triển khai hai lớp tàu: (i) Lớp tàu của ngành chức năng, như tàu cảnh sát biển, hải quân TQ; (ii) Lớp tàu dân quân biển, thường chiếm số đông - có vẻ ngoài như tàu cá nhưng kích thước lớn, vỏ sắt, được trang bị nhân lực và vật lực theo kiểu quân sự.
Lời nói hòa nhã, hành động gây hấn
Hành động của TQ trên thực địa lần lượt bị các nước ở biển Đông như Việt Nam và các quốc gia ngoài biển Đông như Mỹ phản đối và chỉ trích mạnh mẽ. Bởi vì nó vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, điển hình là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS); vi phạm trắng trợn phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016.
Chính Bắc Kinh cũng năm lần bảy lượt từ chối việc tuân thủ phán quyết. “Chúng tôi đã làm rõ là chúng tôi sẽ không chấp nhận (phán quyết của Tòa trọng tài) và quyết định này vẫn giữ nguyên. Lập trường của chúng tôi sẽ không thay đổi và bản thân chúng tôi cũng sẽ không thay đổi” - Đại sứ TQ tại Philippines Triệu Giám Hoa hôm 9-8 nói.
Dù vậy, ông Triệu vẫn tỏ ra vui vẻ, hòa nhã khi khẳng định “TQ không hề có ý định tìm kiếm rắc rối ở biển Đông… TQ sẽ luôn là người bạn tốt, người hàng xóm tốt và họ hàng gần của người Philippines”. Trước đó không lâu, ông Triệu và đại sứ TQ tại một số quốc gia khác vẫn khẳng định Bắc Kinh tìm kiếm “giải pháp hòa bình” ở biển Đông.
Nhìn từ tham vọng TQ hướng ra biển và quá trình Bắc Kinh bành trướng ở biển Đông, có thể hiểu “giải pháp hòa bình” mà TQ đang tìm kiếm. Đó là chiếm hữu, biến biển Đông thành “ao nhà” mà không dùng đến quân đội. Hiểu nôm na, TQ đang triển khai các cuộc chiến phi vũ trang, tức không cần đánh mà vẫn đạt được chiến thắng.
Bắc Kinh đang tiến hành “Tam chủng chiến pháp” ở biển Đông. Ảnh minh họa: PEOPLE’S DAILY
Đằng sau là “Tam chủng chiến pháp”
Người TQ vẫn lưu truyền tác phẩm The Art of War (tạm dịch: Nghệ thuật chiến tranh) của Tôn Tử. Theo đó, đánh đâu thắng đó không được gọi là cao minh nhất, không thông qua chiến tranh mà khiến kẻ địch đầu hàng mới là cảnh giới cao nhất của binh gia. Triết lý “không đánh mà thắng” từng được GS Alexander Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, đề cập khi nhắc đến các hoạt động cải tạo, bồi đắp đảo nhân tạo và trang bị vũ khí mà TQ thực hiện ở biển Đông từ năm 2013. Theo đó, Bắc Kinh tìm cách xây dựng các tiền đồn lưỡng dụng quân-dân sự, không phải nhằm gây chiến với các nước, mà là bao vây để đối thủ tự nhụt chí mà bỏ cuộc.
Nếu muốn thực hiện thăm dò khảo sát khoa học trên vùng biển Philippines, Bắc Kinh cần phải xin phép trước với Manila. Sau khi yêu cầu được chấp thuận, một tàu chở các nhà khoa học Philippines sẽ hộ tống tàu TQ thực hiện nhiệm vụ. Mỹ và Pháp trước đây đều tuân thủ việc này nhưng chỉ có TQ là không. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines DELFIN LORENZANA |
Đó là một trong những nhân tố tạo nên nội hàm của cuộc chiến tâm lý mà TQ đang triển khai ở biển Đông. Giới quan sát quốc tế gần như thừa nhận rằng: Bắc Kinh dẫu có triển khai vũ khí, tàu quân sự và dân quân biển ở biển Đông ngày càng nhiều thì mục tiêu cao nhất chính là hăm dọa để ngư dân, lực lượng chấp pháp các nước khác sợ mà bỏ cuộc.
Chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), trả lời Pháp Luật TP.HCM rằng từ việc TQ đưa đội tàu khảo sát Địa chất hải dương 08 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam, “có thể thấy TQ thích sử dụng chiến thuật đe dọa, bắt nạt chứ không động đến lực lượng quân đội thật sự của nước này để bảo vệ yêu sách của mình”. Vậy nên khi Việt Nam và các nước có yêu sách khác ở biển Đông (như Malaysia) phản kháng và quyết tâm khẳng định chủ quyền của mình bất chấp lực lượng cảnh sát biển và dân quân biển TQ dọa nạt thì Bắc Kinh sẽ xuống thang chứ không dùng đến quân đội để đối phó. “TQ đã không dùng lực lượng quân sự để tấn công hoạt động kinh tế của Việt Nam với nước khác, bởi lẽ việc làm đó sẽ đẩy tình hình khu vực leo thang nhanh chóng và làm tổn hại nghiêm trọng hình ảnh của TQ đang muốn xây dựng - “lãnh đạo toàn cầu”” - ông Gregory Poling khẳng định.
Ngoài cuộc chiến tâm lý, TQ cùng lúc triển khai cuộc chiến dư luận xung quanh vấn đề biển Đông. Hiểu nôm na cuộc chiến dư luận được thực hiện liên tục, lâu dài, thông qua kiểm duyệt truyền thông, nhằm gây ảnh hưởng và thay đổi nhận thức dư luận trong nước và nước ngoài. Hai mục tiêu quan trọng là (i) đảm bảo sự ủng hộ của dân TQ, tức đảm bảo sự đồng thuận chính trị trong nước, làm nền tảng thông qua các quyết sách đầu tư nhân lực, vật lực hướng ra biển; đồng thời (ii) đảm bảo sự ủng hộ hoặc ít nhất là không chống đối của các quốc gia khác trên các diễn đàn quốc tế về biển Đông.
Cuối cùng, TQ triển khai cuộc chiến pháp lý. Mục tiêu của Bắc Kinh là ban hành các bộ luật nội địa; đồng thời “xét lại” và “viết lại” hệ thống luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, theo hướng có lợi cho yêu sách đường chín đoạn đầy tham vọng của TQ. Trong khi quốc tế đang thực thi và hoàn thiện một hệ thống “pháp quyền”, tức mọi quốc gia đều phải thượng tôn pháp luật thì TQ đang muốn xây dựng một hệ thống “pháp trị”, tức luật pháp chỉ được áp dụng để phục vụ lợi ích cá thể của TQ.
Ba cuộc chiến tâm lý, dư luận và pháp lý nêu trên của TQ nằm trong học thuyết “Tam chủng chiến pháp” được Trung ương Đảng Cộng sản TQ và Quân ủy Trung ương phê chuẩn năm 2003.
Khái niệm “Chiến tranh” trong thời đại mới TQ nhận thấy khái niệm “chiến tranh” đang có sự thay đổi trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay. Dù TQ vẫn cho rằng sức mạnh cơ bắp như súng đạn, tên lửa, chiến đấu cơ... vẫn còn là phương tiện và động lực quan trọng nhưng chúng chưa đủ để chiến thắng. Bởi lẽ trật tự thế giới hiện nay đang vận hành dựa vào các thể chế đa phương, có sự đồng thuận cao của quốc tế về nguyên tắc thượng tôn pháp luật và hòa bình. Muốn thay đổi trật tự đó, xung đột vũ trang là bất khả thi. Chính vì vậy, triết lý đằng sau ba cuộc chiến phi vũ trang - “Tam chủng chiến pháp” - của TQ chính là phá bỏ các thể chế quốc tế, mở rộng sức ảnh hưởng vượt càng xa biên giới quốc gia càng tốt và thống lĩnh hệ thống truyền thông toàn cầu mà không phải nổ súng. |