Hãng tin Reuters hôm 6-8 dẫn lời phát ngôn viên Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho biết ông Rodrigo Duterte sẽ có cuộc gặp “một đối một” vào cuối tháng 8 với Chủ tịch Tập Cận Bình ở Trung Quốc (TQ) để bàn về việc thực thi phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài. Phán quyết này đã bác bỏ toàn bộ yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh đối với biển Đông.
“Tôi sẽ đến TQ để đàm phán. Có phải tôi đã từng nói với mọi người rằng trước khi nhiệm kỳ của tôi kết thúc, tôi sẽ bàn về biển Đông chưa? Tôi sẽ đến đó vì hiện tại có những xung đột nổ ra cần được giải quyết ngay lập tức. Tôi không muốn hai bên đánh nhau” - ông Duterte khẳng định trong cuộc họp báo cùng ngày.
Độ tin cậy của ông Duterte
Chia sẻ với tạp chí Forbes, GS Panos Mourdoukoutas thuộc ĐH Columbia (Mỹ) cho rằng cần hết sức thận trọng khi đánh giá phát ngôn của ông Duterte. Ông Mourdoukoutas lưu ý trong suốt nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Duterte đã cho thấy ông không hề có một chiến lược biển Đông cụ thể do mâu thuẫn giữa lập trường hòa hoãn với Bắc Kinh của bản thân và xu hướng chống TQ bành trướng ở biển Đông của người dân Philippines.
Đó cũng là lý do khiến ông Duterte nhiều lần đưa ra những động thái và phát biểu hết sức khó hiểu. Ngày 22-7, ông chủ điện Malacanang tuyên bố việc kích hoạt phán quyết 2016 sẽ dẫn đến một “cuộc chiến” với TQ nhằm chỉ trích các tiếng nói phản biện lập trường biển Đông của ông. Trước đó, vào tháng 4-2018, ông Duterte cũng từng rút lại tuyên bố cắm cờ Philippines lên các thực thể đang tranh chấp với TQ do phía Bắc Kinh đe dọa “sẽ có hậu quả”.
Theo GS Mourdoukoutas, qua cách tiếp cận trên, ông Duterte hy vọng một mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh sẽ mang lại hòa bình và có lợi trên bàn đàm phán biển Đông. Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác, Philippines phải nhận lấy hậu quả cho những quyết định của Tổng thống Duterte. Gần đây nhất, ngày 9-6, tàu cá Gem-Ver 1 của Philippines bị một tàu được cho là của dân quân biển TQ đâm chìm gần bãi Cỏ Rong, đẩy hai nước vào giai đoạn căng thẳng mới.
“Sự rạn nứt trong mối quan hệ TQ-Philippines đang ở mức đáng lo ngại với những xung đột đang chực chờ bùng nổ giữa hai nước. Đằng sau những xung đột này là các tác nhân kinh tế, quân sự cùng rất nhiều nguyên nhân khác nữa” - chuyên gia về địa chính trị thuộc Tập đoàn tư vấn rủi ro A.T. Kearney, ông Stephen Klimczuk-Massion, chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia Klimczuk-Massion, trước các diễn biến không như kỳ vọng gần đây, Tổng thống Duterte đã đột ngột có sự chuyển biến trong lập trường và phát ngôn. “Người đứng đầu Manila thay đổi thoắt chốc từ việc hoàn toàn “điều chỉnh” hướng phát triển của Philippines phù hợp với lợi ích của TQ sang phản ứng kịch liệt với chiến lược bao trọn biển Đông của Bắc Kinh. Ông bắt đầu sử dụng ngôn từ cứng rắn và mang tính đe dọa hơn so với các phát ngôn hòa giải, nhún nhường trước đó” - ông Stephen Klimczuk-Massion phân tích.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón ông Rodrigo Duterte trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2017. Ảnh: REUTERS
“Việc phát ngôn và hành động thay đổi liên tục như vậy sẽ đe dọa uy tín của tổng thống Philippines” - GS John Lewis Gaddis thuộc ĐH Yale (Mỹ) cảnh báo - “Điều này rất nguy hiểm, vì khi uy tín bị nghi ngờ, chính khách chỉ có hai lựa chọn: Nỗ lực hết mình hoặc nói dối nhiều hơn. Cả hai cách đều khó có khả năng thực hiện dựa vào nguồn lực, điều kiện và thời gian của ông Duterte”.
Phát biểu hôm 6-8, Tổng thống Duterte lên tiếng cáo buộc chính Mỹ đã khiến Philippines phải mua vũ khí của TQ do ngừng bán súng cho cảnh sát quốc gia Philippines năm 2016 sau khi Quốc hội Mỹ bày tỏ quan ngại về tình trạng “vi phạm quyền con người” trong chiến dịch bài trừ ma túy ở nước này. |
Giải pháp của Philippines
Cũng như rất nhiều chuyên gia và nhà phân tích trước đó, GS Mourdoukoutas chỉ ra ở thời điểm hiện tại, giải pháp tốt nhất cho Philippines nằm ở liên minh quân sự giữa nước này và Mỹ. Washington đã nhiều lần lên tiếng trấn an Manila rằng Mỹ sẽ điều lực lượng hỗ trợ ngay khi TQ tấn công phương tiện tàu thuyền của Philippines.
Theo tạp chí International Policy Digest, lợi ích kinh tế của Mỹ và các đồng minh trong khu vực đều gắn liền với một biển Đông tự do và hoạt động trên luật pháp. Giá trị hàng hóa đi qua biển Đông theo thống kê trong năm 2016 đạt 3,4 tỉ USD. Dù hàng hóa Mỹ đi qua khu vực này chỉ vỏn vẹn 6% tổng giá trị trên, kinh tế của nhiều đồng minh thân cận của Washington lại hoàn toàn phụ thuộc vào tuyến vận tải huyết mạch này.
Trưa 7-8, truyền thông Philippines xác nhận nhóm tác chiến sân bay USS Ronald Reagan đã có mặt tại Manila sau khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra ở biển Đông. Thuộc lớp Nimitz và chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu USS Ronald Reagan là niềm tự hào của hải quân Mỹ. Đi cùng tàu này có hai tuần dương hạm USS Chancellorsville và USS Antietam.
Tờ Stars and Stripes (Mỹ) dẫn lời Đô đốc Karl Thomas nhấn mạnh: Khẩu hiệu của con tàu này là “Hòa bình thông qua sức mạnh”. Đó cũng là thông điệp tàu này muốn đem đến khu vực biển Đông khi tuần tra ở đây.
“Chúng tôi nghĩ rằng các bên nên tuân thủ luật pháp quốc tế. Sự hiện diện (của USS Ronald Reagan) cho phép chúng tôi góp phần đem lại hòa bình và ổn định, làm nền tảng cho những đàm phán được thực hiện” - ông Thomas chia sẻ.
Philippines lên tiếng về thông tin tàu thăm dò Trung Quốc xâm phạm vùng biển Hôm 7-8, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cho biết ông phải dựa vào thông tin tình báo quân đội trước khi có thể xác nhận sự hiện diện của tàu khảo sát TQ. Phát ngôn của ông Locsin Jr. nhằm đáp lại tuyên bố đăng trên Twitter của PGS Ryan Martinson đến từ Học viện Hải chiến Mỹ ngày 6-8. Ông Martinson khẳng định tàu khảo sát đại dương Zhang Jian của TQ đã vận hành cách bờ biển phía Đông Philippines khoảng 80 hải lý (hơn 148 km). Chia sẻ với trang tin Rappler, PGS Martinson nói những hình ảnh do ông đăng trên Twitter cho thấy tàu Zhang Jian đã hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ngày 3-8 và từ ngày 5 đến 6-8. Ông giải thích thêm, lý do Manila cần phải chờ đợi thông tin và các khuyến nghị từ quân đội Philippines là để bảo đảm sự chính xác do lo ngại các thông tin không đúng từ người dân. Giám đốc Tổ chức sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) Gregory Poling nhận định cần điều tra làm rõ tàu TQ đang tiến hành điều tra những gì, cũng như xác định xem hoạt động của tàu có được chính phủ Philippines chấp thuận hay không. |