Tờ South China Morning Post ngày 15-4 đưa Bộ Quốc phòng Mỹ bày tỏ quan ngại về một hiệp ước an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon, cảnh báo rằng thỏa thuận để ngỏ cánh cửa cho Trung Quốc triển khai lực lượng quân sự ở Thái Bình Dương.
Cụ thể, trong một cuộc họp báo ngày 14-4, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby nói: “Chúng tôi tin rằng việc ký kết một thỏa thuận như vậy có thể thực sự làm gia tăng bất ổn ở quần đảo Solomon và có thể tạo tiền lệ liên quan cho khu vực Đảo Thái Bình Dương".
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby. Ảnh: POLITICO |
Việc Trung Quốc và Solomon ký thỏa thuận an đang làm dấy lên lo ngại rằng quốc đảo này có thể trở thành căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương. Theo các chuyên gia chính sách đối ngoại, nó cũng gây ra mối đe dọa cho Úc - một đồng minh thân cận của Mỹ.
Tuy nhiên, chính quyền hòn đảo đã bác bỏ thông tin cho rằng Trung Quốc sẽ xây dựng căn cứ trên đất nước của họ.
Bắc Kinh đã tiến hành quân sự hóa trái phép các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trên Biển Đông, và đã nhiều lần xâm nhập vùng biển xung quanh các đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkakus còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào cuối tháng 3 cho biết Bắc Kinh và Honiara đã "ký kết thỏa thuận khung" về hợp tác an ninh song phương vào ngày 30-3.
Một dự thảo văn bản chính thức bị rò rỉ trên mạng xã hội cho thấy thỏa thuận này có thể cho phép Bắc Kinh triển khai lực lượng để “bảo vệ sự an toàn của nhân viên Trung Quốc và các dự án lớn ở quần đảo Solomon”.
Úc đã và đang đẩy mạnh các nỗ lực để ngăn Quần đảo Solomon chính thức ký thỏa thuận. Nước này cử Bộ trưởng Phát triển Quốc tế và Thái Bình Dương Zed Seselja đến đảo quốc để thảo luận về vấn đề này.
Hồi tháng 2, Chính quyền của Tổng thống Joe Biden - người đang tìm cách chống lại sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đã công bố kế hoạch mở đại sứ quán tại Quần đảo Solomon để tăng cường hợp tác với các đối tác trên Đảo Thái Bình Dương.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Mỹ từng có đại sứ quán ở thủ đô Honiara, nhưng nó đã bị đóng cửa vào năm 1993.