Theo Newsweek, thiết bị không người lái hạt nhân dưới nước được Lầu Năm Góc đề cập trong tài liệu là “AUV” hay thiết bị tự động di chuyển dưới nước. Vũ khí này được làm nổi bật trong biểu đồ về phương tiện vận chuyển hạt nhân của Nga.
Giới chức Lầu Năm Góc trong dự thảo cảnh báo rằng Nga đã và đang tích cực đa dạng hóa năng lực hạt nhân của nước này.
Bên cạnh hiện đại hóa “di sản” hệ thống hạt nhân thời kỳ Liên Xô, Nga đang phát triển và triển khai đầu đạn hạt nhân cùng bệ phóng mới. Những nỗ lực này bao gồm tăng cường nâng cấp cho từng thành phần trong bộ ba hạt nhân là máy bay ném bom chiến lược, tên lửa phóng từ dưới biển và tên lửa phóng từ đất liền. Nga cũng đang phát triển ít nhất hai hệ thống liên lục địa mới, một là thiết bị phóng trượt siêu âm (hypersonic glide vehicle) và ngư lôi tự động dưới đáy biển liên lục địa có trang bị hạt nhân.
Bản chi tiết kỹ thuật về hệ thống Status-6 của Nga được nhìn thấy trên truyền hình nhà nước Nga. Ảnh: BBC
“Chúng tôi thảo luận rất sôi nổi và nhiều dự thảo đã được soạn ra. Dù vậy, bản Đánh giá chung về năng lực hạt nhân vẫn chưa hoàn thiện và sau cùng sẽ được tổng thống và bộ trưởng Quốc phòng rà soát, phê duyệt” - thông cáo của Lầu Năm Góc viết.
Theo như ghi nhận của Defense News, thiết bị không người lái dưới biển của Nga - chính thức được biết đến với cái tên Hệ thống đa nhiệm trên đại dương Status-6 hay Kanyon theo cách gọi của Lầu Năm Góc - được cho là được thử nghiệm hồi tháng 11-2016. Hệ thống này được phóng từ một tàu ngầm lớp Sarov được dùng để kiểm tra và đánh giá công nghệ mới, tờ Washington Free Beacon đưa tin hồi tháng 12-2016.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã không công khai xác nhận về sự tồn tại của Status-6 trước khi có bản dự thảo này.
Tờ Washington Bureau nói rằng theo truyền thông Nga, Status-6 có tầm bắn lên tới 10.000 km, tốc độ tối đa là gần 100 km/giờ. Status-6 có thể lặn sâu 1.000 m dưới mực nước biển. Vũ khí này do Rubin Design Bureau - nhà sản xuất tàu ngầm lớn nhất của Nga chế tạo. Status-6 được thiết kể để phóng từ ít nhất hai tàu ngầm thuộc lớp khác nhau, trong đó có tàu ngầm lớp Oscar vốn có thể mang theo bốn hệ thống Status-6 cùng một lúc.
Dự thảo Đánh giá chung về năng lực hạt nhân của Lầu Năm Góc tái khẳng định sự cần thiết của một bộ ba hạt nhân đầy đủ hoặc các tên lửa được phóng trên không, dưới biển và trên đất liền với tầm bắn toàn diện. Tuy nhiên, như trang tin Defense News lưu ý, bản dự thảo cho thấy “không có dấu hiệu Lầu Năm Góc quan tâm tới việc phát triển phương tiện không người lái dưới biển có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân”.
Tuy nhiên, bản dự thảo cũng nói rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đang chạy đua gia tăng kho vũ khí hạt nhân của nước Mỹ. Dự thảo cũng mô tả việc Lầu Năm Góc lên kế hoạch đối chọi với Nga về năng lực hạt nhân mới.
Lo ngại chiến tranh hạt nhân đã gia tăng tới cấp độ lịch sử, phần lớn là do sự công kích qua lại giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.