Mới đây, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), ông Andrea Coppola, khẳng định để trở thành quốc gia thu nhập cao, Việt Nam cần tăng cường huy động tài chính cho các dự án dài hạn. Xét với quy mô GDP năm 2023 của Việt Nam, con số này tương đương 30 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.
Bảo hiểm xã hội là nhà đầu tư tổ chức lớn nhất Việt Nam
Ủng hộ quan điểm này, ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp về tài chính và thị trường vốn của WB cho rằng việc huy động nguồn tiền từ bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ giúp phát triển hơn nữa kênh huy động vốn cho nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam.
Theo chuyên gia WB, quỹ BHXH là nhà đầu tư tổ chức lớn nhất ở Việt Nam – hiện đang quản lý danh mục tương đương 10% GDP. Nguồn tiền huy động từ BHXH nếu được huy động vào kênh trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp... sẽ giúp mang đến cú huých mới quan trọng giúp phát triển thị trường vốn và gia tăng hiệu suất sinh lời cho quỹ BHXH.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, người sáng lập kiêm Giám đốc tư vấn Think Future Consultancy chia sẻ quan điểm này của chuyên gia WB nhưng cũng khuyến cáo cần rất cẩn trọng.
“ Tạo điều kiện đa dạng hóa đầu tư của BHXH sẽ là bước cải cách mang tính đột phá. Điều này sẽ mở hướng để tiền từ BHXH đầu tư vào các cơ hội đem lại lợi nhuận cao hơn và không còn cần phải chấp nhận giá chào bất kỳ tại các phiên đấu giá trái phiếu chính phủ nếu quá thấp.
Việc đa dạng hóa nếu được triển khai thận trọng và từng bước sẽ giúp nâng cao lợi nhuận đầu tư của BHXH về lâu về dài. Điều này còn khuyến khích tăng trưởng ở các thị trường khác mà BHXH đầu tư vào, nơi hiện đang thiếu nhà đầu tư dài hạn lớn và ổn định”.
Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, với tầm quan trọng rất lớn của BHXH, việc bảo toàn vốn trong các hoạt động đầu tư vô cùng quan trọng, chính vì vậy việc soi chiếu từ kinh nghiệm quốc tế để có kinh nghiệm áp dụng thực tiễn cho Việt Nam là vô cùng quan trọng.
Cần cân nhắc kỹ lưỡng về tỷ trọng và lựa chọn đầu tư
Trưởng Khoa Kinh tế học Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), ông Phạm Thế Anh, cho rằng việc đầu tư tiền từ quỹ BHXH để đa dạng các kênh đầu tư là phù hợp, nhưng cần đảm bảo tỷ trọng ở mức phù hợp.
“Về cơ bản, các quỹ BHXH trên thế giới có thể được cho phép đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau. Tiêu chí an toàn được đặt lên hàng đầu, chính vì vậy sẽ có những giới hạn. Ví dụ tỷ trọng tiền đầu tư vào các tài sản rủi ro chỉ khoảng 10 đến 15%, còn lại 85 đến 90% đầu tư vào tài sản an toàn, ví dụ như họ mua trái phiếu chính phủ hoặc cho chính phủ vay”.
Đồng thời, không những cần giữ tỷ trọng đầu tư vào các tài sản rủi ro phù hợp mà còn phải có quy định chặt chẽ về việc đối tượng đầu tư là những cổ phiếu, trái phiếu của doanh nghiệp uy tín, có lịch sử hoạt động dài, ổn định, uy tín cao. Song song đó việc lựa chọn đầu tư cần phải được cân nhắc kỹ càng, và có sự giám sát độc lập.
Đồng thời, ông Thế Anh cũng nói đến việc cần phải cân nhắc cẩn trọng về thời điểm đầu tư. Cụ thể, hoạt động đầu tư từ BHXH có thể chỉ được cho phép trong bối cảnh kinh tế thuận lợi.
Hoạt động theo chuẩn quốc tế
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng Phòng phân tích Chiến lược Công ty chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng không những cần lựa chọn những sản phẩm cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp tốt để đầu tư mà còn có thể cân nhắc đến chứng chỉ quỹ.
Ông Hiếu chia sẻ ở các nền kinh tế phát triển, các công ty quản lý quỹ tư nhân quản lý tiền hưu trí của người dân. Khi người dân nộp tiền vào, người ta sẽ có phân loại rủi ro xem mức độ rủi ro của khách hàng chịu được là bao nhiêu. Hoạt động đầu tư của các quỹ này theo nguyên tắc: từ 80 đến 90% đầu tư vào tài sản an toàn và số còn lại vào tài sản rủi ro.
Trưởng Phòng phân tích Chiến lược KIS Việt Nam nhấn mạnh nguyên tắc đầu tư của các quỹ này luôn là không mất vốn, vì vậy họ đầu tư vào trái phiếu, còn lại là cổ phiếu, nhưng là cổ phiếu của những doanh nghiệp rất tốt, tối thiểu tương đương blue chip ở Việt Nam như Vinamilk, Masan… Cũng có trường hợp đầu tư vào cổ phiếu rủi ro, nhưng tỷ trọng cực kỳ thấp.
Hoạt động đầu tư của các quỹ liên quan đến tiền hưu trí của người dân đồng thời áp dụng mốc, tức là nếu thua lỗ đến ngưỡng đó, đồng loạt cắt và dừng đầu tư. Trong hoạt động đầu tư theo hình thức này, thua lỗ với khoản đầu tư nhỏ là có, nhưng tổng tiền đầu tư vào tài sản an toàn rất lớn nên nhìn chung không ảnh hưởng gây thua lỗ mất tiền.
"Công ty quản lý quỹ hưu trí là tư nhân, nhưng được giám sát bởi một bên thứ ba khác nữa chứ không phải muốn làm gì thì làm. Thậm chí nếu không làm đúng theo sự giám sát và cam kết, đại diện của quỹ phải chịu trách nhiệm hình sự", ông Hiếu nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc đầu tư vào tài sản rủi ro có thể không phải là một cổ phiếu, mà là chứng chỉ quỹ bao gồm tập hợp nhiều cổ phiếu khác nhau để giảm thiểu tối đa rủi ro. Trong trường hợp Việt Nam, ngoài đầu tư vào trái phiếu chính phủ, có thể đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp nhưng chỉ nhóm doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm độc lập thực sự tốt.
"Để làm như vậy, mảng xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp Việt Nam cần phải phát triển mạnh hơn nữa và hoàn toàn độc lập, hoạt động theo chuẩn quốc tế", ông Hiếu khuyến nghị.