Lấy ý kiến 10 vấn đề quan trọng trong BLDS

Tại lễ công bố kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo BLDS sửa đổi diễn ra chiều 5-1, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết dự thảo sẽ được đưa ra lấy ý kiến công khai của nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài kể từ ngày 5-1 đến 5-4. Dự thảo có 712 điều được chia thành sáu phần với 26 chương. So với BLDS năm 2005, dự thảo giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 176 điều, bãi bỏ 147 điều.

Trong đó, Bộ Tư pháp đưa ra 10 vấn đề trọng tâm hiện có nhiều ý kiến khác nhau để lấy ý kiến. Chẳng hạn tòa có được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng hay không; BLDS có cần cụ thể hóa tất cả quyền nhân thân được quy định trong Hiến pháp và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hay không… Hay các vấn đề về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức…

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, BLDS sửa đổi lần này sẽ thực sự phát huy các vai trò cơ bản: Tạo cơ chế quản lý hữu hiệu để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo quyền dân sự của các cá nhân, pháp nhân. Hạn chế tối đa sự can thiệp của cơ quan công quyền vào việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quan hệ dân sự. Tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội, đảm bảo sự thông thoáng, ổn định trong giao lưu dân sự. Xây dựng BLDS thành công cụ pháp lý hữu hiệu để thúc đẩy sự hình thành và phát triển các thiết chế dân chủ trong xã hội, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm chỉnh, khẩn trương thực hiện việc lấy ý kiến góp ý của nhân dân cho dự thảo BLDS sửa đổi, “tiếp thu nghiêm túc và phải giải trình chứ không tiếp thu trong im lặng”. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu việc lấy ý kiến cần có cách làm thiết thực, hiệu quả, tránh trùng lắp, lãng phí, trong đó cần phát huy truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin…

Ngoài ý kiến góp ý tại các tổ chức, cơ quan, đơn vị, người dân có thể gửi ý kiến trực tiếp đến Bộ Tư pháp theo địa chỉ 60 Trần Phú, Ba Đình (Hà Nội) hoặc qua hộp thư điện tử: boluatdansu@moj.gov.vn. Các ý kiến góp ý bằng văn bản qua đường bưu điện thì không phải dán tem. Thời gian góp ý kéo dài từ nay đến trước ngày 20-9.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới