Lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

(PLO)- Sẽ lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ ngày 3-1 đến 15-3-2023; việc lấy ý kiến phải tiết kiệm, hiệu quả, tránh triển khai mang tính hình thức.

Chiều 13-12, tại phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã thống nhất lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó tập trung vào các vấn đề trọng tâm. Thời gian lấy ý kiến từ ngày 3-1 đến 15-3-2023.

Nhiều hình thức góp ý

Trình bày tờ trình, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho hay Chính phủ đề nghị lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp. Ảnh: QH

Cần có cơ chế phản hồi để khuyến khích việc góp ý kiến

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ Lê Quang Huy đề nghị xây dựng cơ chế phản hồi. “Quá trình chúng tôi xin ý kiến, các chuyên gia rất không bằng lòng vì không có cơ chế phản hồi. Người ta góp ý nhiều nhưng sau đó anh không phản hồi có tiếp thu hay không tiếp thu, không tiếp thu thì lý do là gì. Tất nhiên, mình không thể trả lời tất cả nhưng phải có cơ chế nào đó để yêu cầu phản hồi.

Đây là việc mình tôn trọng, khuyến khích việc góp ý kiến. Không phải riêng luật này mà các luật khác về sau; kẻo luật sau lấy ý kiến, nhân dân bảo lần trước góp ý không có phản hồi gì nên lần này không góp ý nữa” - ông Lê Quang Huy nói.

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân được thực hiện thông qua các hình thức: Góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua cổng thông tin điện tử của QH, Chính phủ, Bộ TN&MT và các cơ quan thông tấn báo chí; điều tra xã hội học về nội dung chính sách và tác động các chính sách trong dự thảo luật và các hình thức khác phù hợp.

Chính phủ cũng đề nghị thời gian lấy ý kiến nhân dân bắt đầu từ ngày 3-1 đến hết 28-2-2023.

Nêu ý kiến sau đó, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho hay hiện chưa tổ chức lấy ý kiến nhưng đã có rất nhiều ý kiến từ những hội thảo, tọa đàm và văn bản góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Người đứng đầu QH lưu ý cần lựa chọn cách thức lấy ý kiến cần thực chất và hiệu quả, tránh hình thức. Ông cho rằng theo quy trình xây dựng văn bản pháp luật, nếu đăng tải trên cổng thông tin điện tử thì đôi khi đọc qua thấy “êm” không có vấn đề gì cả; đến khi ban hành, tổ chức thực hiện mới “giật mình hóa ra là thế này, hóa ra là thế kia”.

“Báo cáo thẩm tra nêu rất đúng, giờ đưa ra mấy nội dung như thế, mình toàn chuyên gia ở đây còn không hiểu để góp ý thì người dân làm sao hiểu để góp ý được” - Chủ tịch QH nói và đề nghị nên chăng 63 tỉnh, thành phải có người trách nhiệm, hiểu biết về lĩnh vực làm báo cáo viên, nêu ra các vấn đề vướng mắc, phương án đang bàn thế nào, tác động đến người dân và doanh nghiệp thế nào.

“Tôi rất băn khoăn về cách thức lấy ý kiến” - ông Vương Đình Huệ nói thêm.

Kết quả lấy ý kiến được gửi về Chính phủ và Quốc hội

Ngoài ra, Chủ tịch QH cũng băn khoăn chủ thể lấy ý kiến là Chính phủ, vậy Thường vụ QH, các cơ quan của QH, đoàn đại biểu QH và đại biểu QH vai trò thế nào.

“Chúng ta chưa làm nhiều, kinh nghiệm thực tiễn ít. Cả hệ thống từ Thường vụ đại biểu đến Hội đồng Dân tộc, các ủy ban... chỉ có thụ động chờ báo cáo tổng hợp từ Chính phủ gửi về. Mà Chính phủ, Thủ tướng cũng chỉ ngồi chờ Bộ TN&MT” - ông Vương Đình Huệ nêu vấn đề.

Theo ông, quá trình tổng hợp của Bộ TN&MT cũng cần sự giám sát, vì đôi khi có những ý kiến góp ý rất sát nhưng không được tổng hợp hoặc tổng hợp những cái khác đi.

“Làm thế nào để không xảy ra chuyện này và nếu có xảy ra thì làm thế nào?” - ông nói tiếp và đánh giá “trình tự thủ tục có vẻ rất chặt chẽ nhưng mà vẫn còn băn khoăn”, nhất là khi thời gian lấy ý kiến ngắn và rơi vào dịp tết.

Tổng thư ký Qh Bùi Văn Cường cũng đề nghị kết quả lấy kiến được gửi về Chính phủ, cụ thể là Bộ TN&MT để tổng hợp, báo cáo nhưng cũng cần gửi về QH. Việc này giúp các cơ quan của QH chủ động nắm và xem xét các vấn đề khi thẩm tra, hoàn thiện dự thảo luật, đồng thời tránh chuyện có thể có những ý kiến rất xác đáng, sắc sảo, cần thiết, vì lợi ích chung của người dân nhưng không phù hợp với cơ quan quản lý nhà nước nên không được tổng hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ Lê Quang Huy cũng băn khoăn sau khi xin ý kiến nhân dân thì việc tổng hợp, sử dụng các ý kiến này thế nào. Ông Huy đề nghị việc lấy ý kiến cần được triển khai qua nhiều kênh để bảo đảm việc lấy ý kiến trung thực, khách quan.

“Không thể chỉ có một kênh tổng hợp, tránh việc mình chỉ tổng hợp những gì thuận lợi cho mình” - ông Huy nhấn mạnh.

100% các vị ủy viên Ủy ban Thường vụ QH sau đó đã biểu quyết, thông qua nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với yêu cầu cơ bản như trên.

12 nội dung Chính phủ đề nghị lấy ý kiến nhân dân

1. Nguyên tắc áp dụng pháp luật.

2. Quyền và trách nhiệm của Nhà nước với vai trò đại diện chủ sở hữu về đất đai.

3. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

4. Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

5. Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (Chương IX).

6. Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất (Chương XI).

7. Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai.

8. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

9. Phát triển quỹ đất.

10. Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất.

11. Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực.

12. Hộ gia đình sử dụng đất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới