Lễ này xem gì, chơi đâu?

Do nghỉ lễ dài ngày, đánh vào tâm lý thích đi du lịch, vui chơi của người dân nên nhiều lễ hội, chương trình vui chơi trong khắp cả nước được tổ chức quy mô.

Phim, kịch ít nhưng hấp dẫn

So với các mùa lễ 30-4, 1-5 trước, chỉ có một phim Việt ra rạp trong mùa này với tên Em chưa 18. Nhưng đây lại là bộ phim gây được sự chú ý và hào hứng ở những suất chiếu ra mắt. Phim kể chuyện một anh chàng tay chơi đúng nghĩa, giàu có, sát gái nhưng chỉ thích tình một đêm. Anh ta đặt ra nguyên tắc không có đêm thứ hai. Vậy rồi anh chàng già đời, cua gái lão luyện này bị trả quả bởi một em gái miệng còn hơi sữa. Dụ em lên giường với nhau được một đêm, anh chàng ta lại giở thói quất ngựa truy phong, chẳng ngờ bị em gái xỏ mũi kéo lại dắt đi. Em gái tung chiêu mình chưa 18 tuổi, dọa đưa clip nóng của hai người lên công an tố cáo. Anh tay chơi mất vía, chỉ còn biết cách chạy theo những chiêu trò oái oăm của cô nhỏ với bao nhiêu tình huống dở khóc dở cười. Phim do đạo diễn Lê Thanh Sơn thực hiện, đạo diễn Charlie Nguyễn và Hãng Chánh Phương giữ vai trò sản xuất.

Với mảng phim ngoại, đáng chú ý khi ra rạp trong dịp lễ này là hai bộ phim mới. Vệ binh dải ngân hà phần 2 là siêu phẩm về cuộc chiến bảo vệ vũ trụ, chống lại các thế lực độc ác muốn thống trị vũ trụ của đội vệ binh dải ngân hà. Phim có nhiều kỹ xảo khủng. Bên cạnh đó là bộ phim dành cho gia đình với trẻ con, người lớn có thể xem chung mang tên Xì Trum: Ngôi làng kỳ bí. Bộ phim là một câu chuyện hoạt hình vui nhộn, màu sắc nhưng cũng mang tính triết lý nhẹ nhàng rằng nhân vật Tí cô nương sinh ra để làm gì. Phim có sự tham gia lồng tiếng của nghệ sĩ Thành Lộc.

Dịp lễ này, các sân khấu trong cả nước đều hoạt động nhộn nhịp, song muốn xem kịch mới khán giả chỉ có hai sự lựa chọn. Kịch Hoàng Thái Thanh vừa ra mắt vở diễn mới toanh Đàn ông ơi… anh là ai? do nữ nghệ sĩ Hạnh Thúy viết kịch bản kiêm đạo diễn. Vở kể những câu chuyện tình dang dở, đắng cay, lừa lọc lẫn cao thượng, hy sinh của đôi tình nhân mấy mươi năm về trước lẫn chuyện yêu đương của trai gái hôm nay. Như bao cái kết của Kịch Hoàng Thái Thanh, cái kết ở vở luôn mang dư vị ngọt ngào nhân hậu của tình người. Bộ ba nghệ sĩ Thành Hội, Ái Như, Tuyết Thu đã đem đến cho vở diễn xuất lão luyện, đáng giá, chinh phục được người xem. Sản phẩm sân khấu mới còn lại trong mùa lễ này là chương trình Vitamin cười 2 ở Sân khấu kịch Phú Nhuận của nghệ sĩ Hồng Vân. Chương trình quy tụ nhiều diễn viên trẻ ở sân khấu này làm nên đặc điểm riêng khá ấn tượng.

Vở Đàn ông ơi… anh là ai? ở Kịch Hoàng Thái Thanh được dự báo cháy vé vào dịp lễ này.

Xôm tụ ca nhạc cộng đồng

Các tụ điểm, các phòng trà ca nhạc, các ca sĩ trong mùa lễ này vẫn hoạt động sôi nổi nhưng không xây dựng một chương trình lớn đáng chú ý nào. Song mùa lễ này nhiều địa phương trong cả nước lại có nhiều chương trình nhạc quy mô dành cho cộng đồng.

Tối 30-4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, khu vực tượng đài Bác Hồ sẽ diễn ra chương trình ca nhạc “Khúc ca khải hoàn” do Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM tổ chức. Chương trình quy tụ các ca sĩ: Tạ Minh Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Đan Trường, Hiền Thục, Thanh Thúy, Thụy Vân, Anh Bằng, Võ Hạ Trâm,Trung Hậu, Thanh Sử, các nhóm Mắt Ngọc, 135, Lạc Việt, Mặt Trời Việt… trình diễn nhiều ca khúc cách mạng nổi tiếng. Tối 1-5, tại đây cũng sẽ diễn ra chương trình văn nghệ “Thành phố vươn tới tương lai” với nhiều gương mặt nổi tiếng: Nghệ sĩ xiếc Giang Quốc Cơ, Giang Quốc Nghiệp; các ca sĩ Quang Linh, Võ Hạ Trâm, Nguyễn Phi Hùng, Kasim Hoàng Vũ, Cao Thái Sơn, Vân Khánh, Nathan Lee, Dương Quốc Hưng, nhóm ca Nhật Nguyệt, Lạc Việt, MTV…

Vào tối 1-5, tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, Nhà Bè, TP.HCM, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM sẽ thực hiện chương trình ca nhạc “Hát về thành phố hôm nay” với nhiều ca sĩ tên tuổi và truyền hình trực tiếp trên kênh HTV1. 

Vào lúc 20 giờ ngày 28 và 29-4, tại Nhà hát lớn Hà Nội diễn ra Đêm nghệ thuật Dấu ấn thời đại Hồ Chí Minh. Chương trình có sự tham gia của ba thế hệ âm nhạc cách mạng Việt Nam, từ NSND Thu Hiền, NSƯT Quốc Hưng, NSƯT Việt Hoàn đến các ca sĩ Cẩm Vân, Anh Thơ, Trọng Tấn và các nghệ sĩ trẻ Phạm Thu Hà, Tuấn Phương, Tiến Hưng, Thanh Huyền…

Các lễ hội vui chơi tưng bừng cả nước

Công viên Đầm Sen TP.HCM tổ chức “Sắc màu năm châu” với hoạt động diễu hành Sắc màu Carnival. Diễu hành quy tụ hơn 100 diễn viên múa với các trang phục đặc thù trên nền nhạc đặc trưng của các châu lục…

Tại Đà Nẵng diễn ra “Lễ hội pháo hoa quốc tế” khai mạc vào đêm 30-4 với phần trình diễn pháo hoa của Việt Nam và Áo theo chủ đề “Hỏa”. Tại lễ hội có không gian ẩm thực Ngũ Hành với hơn 500 món ăn Việt Nam và quốc tế do nhiều đầu bếp giỏi từ các nhà hàng, khách sạn hàng đầu trong nước phục vụ. Trong đêm khai mạc, nơi đây xây dựng Sân khấu Ngũ Hành Sơn quy tụ các nghệ sĩ: Nhóm M4U, ca sĩ Ái Phương, NSƯT Cao Minh... trình bày các ca khúc là dấu ấn của dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước. Sân khấu nổi Ngũ Hành Sơn được đầu tư với dàn nâng, hệ thống sân khấu quay hiện đại nhất hiện nay.

Tại khu đô thị Ecoplay, Gia Lâm, Hà Nội diễn ra “Lễ hội khinh khí cầu” trong ba ngày, từ 30-4 đến hết 2-5. Ở lễ hội, du khách được trải nghiệm bay bằng các khinh khí cầu khổng lồ, thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên từ trên cao. Mỗi chiếc khinh khí cầu trong lễ hội sẽ được bay treo lơ lửng ở độ cao tối đa 40-50 m theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Khách bay có thể hoàn toàn yên tâm về mặt kỹ thuật.

Festival nghề truyền thống Huế diễn ra từ  ngày 28-4 đến 1-5 với nhiều hoạt động hấp dẫn. Chương trình nghệ thuật ấn tượng “Đêm khai mạc” tổ chức vào tối 28-4 tại Sân khấu Bia Quốc học. Lễ hội áo dài “Hội họa Huế và Áo dài” tại cầu Trường Tiền tối 30-4. Lễ rước tôn vinh nghệ nhân và làng nghề - bế mạc Festival nghề truyền thống Huế diễn ra vào chiều 1-5 tại Công viên Tứ Tượng, đường Lê Lợi và nhiều chương trình nghệ thuật phong phú.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới