Ngày 16-11, trong cuộc họp tại trụ sở Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ), ông Volker Turk - Cao ủy Nhân quyền LHQ nói rằng cuộc xung đột Israel-Hamas (lực lượng vũ trang Hồi giáo kiểm soát Dải Gaza, Palestine) đã xảy ra các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Theo hãng tin AFP, cuộc họp trên được tổ chức sau khi ông Turk có chuyến đi đến Trung Đông vào tuần trước.
“Vi phạm nhân quyền sâu sắc”
Trong bài phát biểu, ông Turk không nêu cụ thể tên Israel hay Hamas nhưng ông nhấn mạnh nhiều hành vi trong cuộc xung đột Israel-Hamas đã “vi phạm sâu sắc luật nhân đạo quốc tế”.
"Chúng tôi ghi nhận những cáo buộc cực kỳ nghiêm trọng về việc vi phạm sâu sắc luật nhân đạo quốc tế. Chúng tôi đề nghị điều tra nghiêm ngặt về vấn đề này. Khi chính quyền các quốc gia tỏ ra không sẵn lòng hoặc không thể thực hiện các cuộc điều tra như vậy thì cần phải tiến hành điều tra quốc tế” - ông Turk nói.
Trong cuộc họp, ông Turk cũng bày tỏ sự quan ngại về "sự gia tăng bạo lực và phân biệt đối xử nghiêm trọng đối với người Palestine ở Bờ Tây”.
Ông Turk cho rằng điều này tạo nên một tình huống tiềm ẩn nhiều rủi ro, bên cạnh cuộc xung đột Israel-Hamas đang diễn ra.
Cao ủy Nhân quyền LHQ kêu gọi các bên trong xung đột Israel-Hamas ngừng bắn ngay lập tức.
“Rõ ràng là ở cả hai bên trong xung đột Israel-Hamas, một số người xem việc giết hại thường dân là điều có thể chấp nhận được, xem đó là loại vũ khí chiến tranh hữu ích. Sự chiếm đóng của Israel phải chấm dứt. Tự do của người Israel gắn bó chặt chẽ với tự do của người Palestine” - ông Turk nhấn mạnh.
Phản ứng của các bên
Phát biểu tại cuộc họp hôm 16-11, Đại sứ Meirav Eilon Shahar - Đại diện thường trực của Israel tại LHQ và Các tổ chức quốc tế ở Geneva (Thụy Sĩ) - chỉ trích bài phát biểu của ông Turk về tình hình xung đột Israel-Hamas.
Bà Shahar cho rằng nếu một quốc gia không thể tự bảo vệ mình "hoặc bị chỉ trích vì đã hành động phù hợp với luật pháp quốc tế, thì các tổ chức khủng bố chắc chắn sẽ ngày càng trở nên táo bạo hơn".
“Israel và Hamas không tương đương về mặt đạo đức. Chúng tôi sẽ không để Israel bị mất tính hợp pháp do những bình luận xuyên tạc thực tế” - bà Shahar nói.
Trong khi đó, Quan sát viên thường trực của Nhà nước Palestine tại LHQ và Các tổ chức quốc tế ở Geneva - ông Ibrahim Khraishi cáo buộc Israel hành động “vượt trên luật pháp” trong cuộc xung đột Israel-Hamas.
“Vấn đề không bắt đầu vào ngày 7-10 mà nó đã bắt đầu từ 75 năm trước (ám chỉ chiến tranh Israel-Ả Rập năm 1948)” - ông Khraishi nói.
Về phía Mỹ, Đại sứ Michele Taylor - Đại diện thường trực của Mỹ tại Hội đồng Nhân quyền LHQ - nói rằng việc Hamas tấn công Israel vào ngày 7-10 là "tội ác thuần túy". Ngoài ra, bà Taylor cũng bày tỏ sự thương tiếc với những người Palestine thiệt mạng do xung đột Israel-Hamas.