Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cho biết không có giải pháp nào khác cho cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngoài việc nhanh chóng khôi phục hoạt động xuất khẩu lương thực thực phẩm của Nga và Ukraine ra thị trường toàn cầu, bất chấp xung đột quân sự giữa hai nước.
Phát biểu tại cuộc họp báo với Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson hôm 1-6, ông Guterres nhấn mạnh cần phải có “một hành động nhanh chóng và dứt khoát” để giải quyết tình trạng thiếu lương thực toàn cầu bằng cách“dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu, phân bổ thặng dư và dự trữ đủ cho những nhóm dân cư dễ bị tổn thương, đồng thời giải quyết vấn đề tăng giá lương thực để thị trường bình ổn”.
“Nhưng tôi xin nói thẳng: Không có giải pháp hữu hiệu nào cho cuộc khủng hoảng lương thực bằng việc tái khởi động hoạt động xuất khẩu lương thực từ Ukraine, cũng như thực phẩm và phân bón do Nga sản xuất vào thị trường thế giới” - ông Guterres nói.
Ông nhấn mạnh rằng LHQ đang làm mọi cách để thúc đẩy các bên đối thoại về vấn đề này, đài RT đưa tin.
Theo Tổng thư ký Guterres, hai nhóm của LHQ đang cố gắng hết sức để đảm bảo có được một "thỏa thuận trọn gói” để hồi sinh hoạt động "xuất khẩu an toàn" thực phẩm của Ukraine cũng như hoạt động vận chuyển lương thực và phân bón của Nga đến thị trường toàn cầu qua Biển Đen, đặc biệt là "các nước đang phát triển”.
|
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres. Ảnh: CNN |
Phát biểu của ông Guterres được đưa ra sau khi phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo vào tuần trước rằng thế giới đang "có khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực rất nghiêm trọng" mà theo ông, là do "những lệnh trừng phạt bất hợp pháp" phương Tây áp đặt lên Nga.
Ông Peskov cũng đổ lỗi cho chính quyền Kiev vì đã triển khai mìn ở các cảng trên Biển Đen khiến hoạt động hàng hải không còn an toàn nữa.
Ngược lại, các nước phương Tây và chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lại cáo buộc Nga chính là bên tạo ra “những mối đe dọa như nạn đói”.
“Trên thực tế, việc Nga phong tỏa các cảng của chúng tôi ở Biển Đen và chiếm giữ một phần bờ biển Azov đã khiến chúng tôi không thể xuất khẩu 22 triệu tấn ngũ cốc vốn đang nằm trong kho của chúng tôi. Đây là khối lượng ngũ cốc cần được phân phối ra thị trường nước ngoài” - ông Zelensky nói.
Thị trường lương thực toàn cầu, vốn đã phải chịu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19, đã bị giáng thêm một đòn nữa khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2.
Cả hai nước chiếm khoảng 30% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu, Nga cũng là nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới, theo RT.