Đại sứ Mỹ tại LHQ: Thiếu hụt lương thực toàn cầu đã ở mức báo động cao nhất

(PLO)- Bà Linda Thomas-Greenfield đánh giá tình trạng thiếu hụt lương thực toàn cầu đã trở nên nghiêm trọng hơn từ khi nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc - bà Linda Thomas-Greenfield ngày 20-5 cho biết tình trạng thiếu lương thực toàn cầu do tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã lên đến mức báo động cao nhất.

Bà Thomas-Greenfield nói trong một cuộc phỏng vấn với BBC: “Tôi có thể nói với bạn trên thang điểm từ 1 đến 10, với tôi có lẽ là mức báo động 10, bởi vì cuộc khủng hoảng này đã làm trầm trọng thêm vấn đề mất an ninh lương thực vốn đã nghiêm trọng”.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield. Ảnh: THE HILL

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield. Ảnh: THE HILL

Giá thực phẩm tiêu dùng chỉ riêng ở Mỹ đã có mức tăng lớn nhất trong 12 tháng kể từ năm 1981 vào tháng 4, khi chúng tăng 9,4%.

Bà Thomas-Greenfield nói rằng tình trạng mất an ninh lương thực đã là một vấn đề nghiêm trọng trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2, nhưng kể từ khi xảy ra cuộc xung đột, cuộc khủng hoảng toàn cầu đã trở nên trầm trọng hơn.

Theo bà, việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, phong tỏa các cảng, ngăn không cho lúa mì Ukraine tiếp cận thị trường đã làm trầm trọng thêm tình hình hiện tại, khiến nó trở nên nghiêm trọng hơn và tác động của nó “đang được cảm nhận trên khắp thế giới”.

Đại sứ Mỹ đã thảo luận về những cách thức xử lý tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn thế giới, theo đó, bà kêu gọi tiếp tục gây áp lực lên người Nga để chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine và cho phép Ukraine quay trở lại đóng góp cho thị trường lương thực thế giới.

“Sự thật là họ (Nga) đang phong tỏa lương thực. Không có biện pháp trừng phạt nào đối với nông sản của họ. Họ đang tấn công các hầm chứa của Ukraine và không cho nông dân trồng trọt. Vì vậy, Nga cần ra tay hành động nhằm chấm dứt việc phong tỏa lương thực này, đồng thời bắt đầu xuất khẩu lương thực của chính nước họ mà họ đã áp dụng các biện pháp hạn chế” – bà Thomas-Greenfield nói.

Bên cạnh đó, nữ đại sứ Mỹ cũng kêu gọi các nước khác không áp đặt các hạn chế đối với việc xuất khẩu lương thực của họ.

Theo đài RT, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hôm 19-5 khẳng định Nga sẵn sàng thực hiện mọi nghĩa vụ của mình trong việc xuất khẩu lương thực thực phẩm, song nước này cũng mong nhận được sự hỗ trợ từ các đối tác thương mại.

“Thật là vô lý khi họ vừa áp đặt những lệnh trừng phạt điên rồ đối với chúng ta nhưng mặt khác họ lại yêu cầu chúng ta cung cấp thực phẩm. Tôi sẽ nhấn mạnh một lần nữa: không xuất khẩu lương thực, thực phẩm nếu ảnh hưởng đến thị trường trong nước” - ông Medvedev nói.

Theo ông Medvedev, “tất cả biện pháp trừng phạt của phương Tây đều trở nên vô giá trị đối với những thứ quan trọng” như thực phẩm hoặc năng lượng.

Ông cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đang cản trở cuộc sống bình thường, thịnh vượng của mọi người, và chính sự mở rộng của NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) cùng “sự lộn xộn về việc tính toán các khoản nợ, các khoản thanh toán” đã làm trầm trọng thêm tình hình.

Trước đó cùng ngày, trợ lý tổng thống Nga - ông Maxim Oreshkin đưa ra dự đoán rằng một nạn đói toàn cầu, theo ý kiến ​​của ông, có thể sẽ bắt đầu “vào cuối mùa thu hoặc cuối năm nay”.

Trong một nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng lương thực leo thang, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cho biết LHQ đang hội đàm với Nga, Ukraine, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu và một số quốc gia khác, đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ đạt thỏa thuận giúp nối lại xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, lương thực và phân bón của Nga.

Ông Guterres cho rằng các mặt hàng của các quốc gia bị trừng phạt như ngũ cốc và phân bón cần quay trở lại thị trường thế giới. Ông nhấn mạnh thực phẩm và phân bón từ Nga, Ukraine phải được phép bán trên thị trường thế giới nếu muốn ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực đang xảy ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm