Theo Reuters, ngày 11-9, HĐBA LHQ đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên lần thứ 9 do Mỹ soạn thảo với số phiếu ủng hộ tuyệt đối 15-0. Một dự thảo ban đầu cứng rắn hơn do Mỹ đề xuất đã được chỉnh sửa giảm nhẹ hơn để giành sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc.
“Chúng tôi không xem đó là niềm vui thích khi tăng cường trừng phạt Triều Tiên hôm nay. Chúng tôi không mong muốn chiến tranh. Chế độ Triều Tiên hiện chưa vượt qua mức không thể quay đầu” – Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley nói trước HĐBA sau phiên bỏ phiếu.
Bà Haley nhấn mạnh: “Nếu Triều Tiên đồng ý ngừng chương trình hạt nhân, nước này có thể phục hồi tương lai của mình. Còn nếu Bình Nhưỡng tiếp tục con đường đầy nguy hiểm, chúng tôi sẽ tiếp tục tạo thêm áp lực”.
Dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên lần 9 đã giành được sự ủng hộ của tất cả 15 thành viên HĐBA LHQ. Ảnh: AP
Về xuất khẩu, nghị quyết trừng phạt mới cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng may mặc. Theo Cơ quan thúc đẩy thương mại – đầu tư Triều Tiên, đây là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của nước này sau than đá và các khoáng sản khác vào năm 2016, đem về cho Triều Tiên khoảng 752 triệu USD trong năm này. Gần 80% hàng may mặc Triều Tiên hiện được xuất sang Trung Quốc.
Về nhập khẩu, lệnh trừng phạt cấm Triều Tiên nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng và ngưng tụ, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế ở mức 2 triệu thùng/năm và hạn chế nhập khẩu dầu thô ở mức hiện tại. Hiện Trung Quốc là nhà cung cấp dầu thô cho Triều Tiên nhiều nhất.
Một quan chức Mỹ thông thạo vấn đề cho biết Triều Tiên hiện nhập khẩu khoảng 4,5 triệu thùng các sản phẩm dầu mỏ tinh chế và 4 triệu thùng dầu thô hằng năm. Các quan chức Mỹ ước tính động thái trên sẽ giúp giảm 30% lượng dầu được nhập vào Triều Tiên.
Cầu bắc qua sông Yalu nối giữa Triều Tiên và Trung Quốc. Ảnh: GETTY
“Nghị quyết này cũng đặt dấu chấm hết cho việc Triều Tiên kiếm tiền từ 93.000 công dân mà nước này gửi sang nước ngoài làm việc và sau đó đánh thuế nặng nề. Lệnh cấm cuối cùng sẽ khiến Triều Tiên mất thêm 500 triệu USD hoặc hơn trong thu nhập thường niên” – bà Haley nói.
Lệnh trừng phạt thứ 9 còn cho phép các quốc gia kiểm tra tàu nghi chở hàng Triều Tiên ở các vùng biển khơi nếu họ có bằng chứng hợp lý để tin rằng các tàu này đang chở hàng bị LHQ cấm. Tuy nhiên, trước hết họ phải được quốc gia sở hữu các tàu này đồng ý. Dự thảo ban đầu còn cho phép dùng vũ lực để kiểm tra tàu nhưng sau đó bị loại bỏ.
Nghị quyết trừng phạt mới không áp đặt lệnh cấm đi lại hoặc đóng băng tài sản của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un như đã được đề xuất trong bản dự thảo do Mỹ soạn thảo.
Nghị quyết trừng phạt Triều Tiên lần 9 được thông qua chỉ 8 ngày sau khi Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần sáu hôm 3-9. Trước đó, hôm 5-8, HĐBA LHQ đã nhất trí thông qua nghị quyết trừng phạt thứ tám nhằm vào Triều Tiên sau hai vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của nước này trong tháng 7.