Liên quan kết luận của UBKT Trung ương về những sai phạm ở tỉnh Bình Phước: Khởi tố vụ án để làm rõ

Ngày 26-11, nguồn tin riêng của Pháp Luật TP.HCM cho biết Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước vừa khởi tố vụ án cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế và vi phạm các quy định về quản lý sử dụng đất đai để làm rõ nhiều vụ việc có dấu hiệu sai phạm mà Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đề nghị làm rõ.

Theo nguồn tin này, cơ quan điều tra đang khẩn trương điều tra làm rõ nhiều vụ việc, trong đó có việc bán đấu giá 323 ha cao su để làm đường Lộc Tấn-Bù Đốp có dấu hiệu gây thất thu ngân sách; việc giao hơn 6.200 m2 đất mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất…

Thất thu tiền tỉ khi bán 323 ha cao su?

Được biết tháng 6-2012, sau khi làm việc, UBKT Trung ương đã đề nghị Bình Phước làm rõ việc UBND tỉnh bán đấu giá thí điểm 323 ha lô cao su để làm đường BOT Lộc Tấn-Bù Đốp, khi giảm 30% giá đất không xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy, làm thất thu ngân sách Nhà nước 25 tỉ đồng. Ngoài ra, quy trình bán đấu giá các lô cao su này có dấu hiệu thông thầu nên UBKT Trung ương đề nghị làm rõ trách nhiệm của Sở Tài chính và Thường trực UBND tỉnh trong việc này.

Liên quan kết luận của UBKT Trung ương về những sai phạm ở tỉnh Bình Phước: Khởi tố vụ án để làm rõ ảnh 1

Liên quan kết luận của UBKT Trung ương về những sai phạm ở tỉnh Bình Phước: Khởi tố vụ án để làm rõ ảnh 2

Trạm thu phí số 2 mà lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước giao cho nhà đầu tư trong khi QL 14 chưa thi công xong (ảnh dưới) và Chính phủ chưa đồng ý. Ảnh: N.ĐỨC

Theo hồ sơ, tháng 3-2008, UBND tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện dự án do chủ tịch làm trưởng ban và một phó chủ tịch làm phó ban. Hội đồng định giá bán cao su tạo quỹ đầu tư làm con đường trên do một phó giám đốc Sở Tài chính làm chủ tịch, một phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và chủ tịch huyện Bù Đốp làm phó chủ tịch. Ngoài ra còn có đại diện các sở, ngành liên quan. Sau khi đi khảo sát, hội đồng định giá họp thống nhất xác định giá của ba lô cao su bán đấu giá thí điểm. Đến tháng 8-2010, một phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt diện tích và mức giá khởi điểm ba lô cao su có diện tích 31,3 ha với số tiền hơn 11 tỉ đồng (bình quân 353 triệu đồng/ha). Đến tháng 10-2010, UBND tỉnh đã phê duyệt giảm giá khởi điểm xuống còn hơn 8,2 tỉ đồng. Từ việc đấu giá ba lô trên, tháng 3-2011, UBND tỉnh Bình Phước tiếp tục phê duyệt kết quả bán đấu giá hơn 292 ha cho một cá nhân với số tiền hơn 73 tỉ đồng.

Giải trình về việc giảm giá này với UBKT Trung ương, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh cho rằng việc giảm giá là minh bạch, đúng quy định và không gây thất thu ngân sách. Lãnh đạo UBND tỉnh cho rằng chỉ có thiếu sót không xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy. Trong vụ việc trên, UBKT Trung ương đề nghị làm rõ có dấu hiệu thông thầu hay không, trách nhiệm của Sở Tài chính và Thường trực UBND tỉnh.

Người định giá lại tham gia đấu giá

Về dấu hiệu bán hơn 292 ha cao su thông thầu: Lãnh đạo UBND tỉnh giải trình, sau khi có chỉ đạo của Tỉnh ủy về việc chuẩn bị nội dung phục vụ đoàn kiểm tra Trung ương, Sở Tài chính rà soát lại toàn bộ hồ sơ tham gia đấu giá thì phát hiện ông P. là người tham gia định giá tài sản nhưng vẫn đăng ký tham gia đấu giá. Việc này trái với Nghị định 17/2010 về bán đấu giá tài sản. UBND tỉnh cho rằng đây là sai sót của Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (TTDVBĐGTS) và Sở Tài chính trong quá trình giám sát việc tổ chức bán đấu giá vì ông P. chỉ ghi địa chỉ thường trú mà không ghi chức vụ, nơi công tác nên TTDVBĐGTS và Sở Tài chính không phát hiện ông P. để loại. Tìm hiểu của chúng tôi, ông P. là người đã trúng đấu giá sau đó!

Trong vụ này, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Bình Phước cho rằng Sở Tài chính ký hợp đồng với TTDVBĐGTS mà chưa theo dõi chặt chẽ. Sở Tài chính cũng chưa bám sát việc tổ chức bán đấu giá, để trung tâm này tự ý rút ngắn thời hạn thông báo trên báo chí, niêm yết công khai tại địa phương mà không báo cáo Sở. Cán bộ đại diện Sở Tài chính tham dự giám sát đấu giá và kiểm tra hồ sơ đấu giá trình UBND tỉnh phê duyệt đã thiếu kiểm tra. Thường trực UBND tỉnh thừa nhận có thiếu sót vì chỉ căn cứ vào kết quả đấu giá mà Sở Tài chính tham mưu, không kiểm tra cụ thể.

Giao hơn 6.200 m2 “đất vàng” không qua đấu giá

Công an cũng sẽ làm rõ các sai phạm tương đối cộm gồm:

+ Trong việc giao hơn 6.200 m2 đất (sau đài truyền hình tỉnh) cho Công ty Xây dựng Bình Phước để xây dựng nhà liền kề mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, bán với giá thấp so với giá UBND tỉnh ban hành năm 2010 cũng có dấu hiệu thất thu ngân sách.

+ Trong việc giao trạm thu phí T2-QL 14 cho Công ty Đức Thành-Gia Lai, UBND tỉnh Bình Phước thực hiện không đúng chủ trương của Chính phủ, buông lỏng quản lý, không chỉ đạo kiểm tra giám sát việc thu, nộp sử dụng nguồn thu phí để công ty này làm trái các quy định pháp luật.

Theo kế hoạch, tháng 5-2013 con đường này sẽ hoàn thành nhưng đầu tháng 10-2012 Bộ GTVT có báo cáo gửi Thủ tướng, nêu: Tiến độ Dự án nâng cấp QL 14 đoạn Cây Chanh - Cầu 38 chỉ đạt 13,4%. Chưa hết, UBND tỉnh đã giao trạm thu phí cho nhà đầu tư trước khi Chính phủ đồng ý, dẫn đến việc thu phí gây thất thoát, không kiểm soát. Công an sẽ phải làm rõ số tiền thu phí do công ty này thực hiện kể từ khi UBND tỉnh bàn giao (ngày 2-11-2009) đến hiện tại, gây thất thoát như thế nào.

+ Một số công ty được giao đất để trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ nhưng có dấu hiệu sang nhượng mua bán trái phép, để mất rừng…

Với các vụ sai phạm trên, Công an tỉnh Bình Phước đã xin chủ trương Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước để báo cáo, xin ý kiến Bộ Công an, Bộ Tài chính giám định tư pháp thiệt hại

NGUYỄN ĐỨC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm