Theo tờ The Guardian, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin điều binh đến Ukraine nhằm mục đích “gìn giữ hòa bình” có khả năng khiến Kiev lâm vào một xung đột quân sự quy mô lớn.
Ông Putin đã làm gì?
Hôm 21-2, ông Putin đã công nhận nền độc lập của hai vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát ở đông Ukraine là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk. Moscow bị cáo buộc trang bị vũ khí, tài chính và kiểm soát chính trị hai vùng này kể từ năm 2014, song Nga vẫn luôn bác bỏ các cáo buộc này. Cho đến trước ngày 21-1, Nga vẫn công nhận hai vùng ly khai là một phần của Ukraine.
Ông Putin cũng đã cử quân đội của mình tham gia "sứ mệnh gìn giữ hòa bình" ở Ukraine. Ông Putin đã ký các hiệp ước hợp tác và hữu nghị song phương với mỗi nước cộng hòa. Theo đó, Nga được phép thiết lập các căn cứ quân sự hoặc đặt tên lửa trên các vùng lãnh thổ.
Động thái này của Nga đánh dấu lần thứ hai nước này triển khai quân đến khu vực thuộc lãnh thổ Ukraine kể từ năm 2014. Khác với vụ bán đảo Crimea, Nga đã không sáp nhập các vùng ly khai mà công nhận chủ quyền của hai vùng này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP
Tại sao ông Putin lại nhắm vào Ukraine?
Đầu tiên, dù không trực tiếp nêu rõ quan điểm của Nga về Ukraine, nhưng ông Putin đã chỉ ra rằng ông đặt câu hỏi về tính chính danh của Ukraine. Theo ông, Ukraine hiện đại là “một công trình” của Liên Xô và coi người Nga và người Ukraine là “một dân tộc”.
Thứ hai, ông cho rằng việc Ukraine nghiêng về phương Tây là điều nguy hiểm đối với Nga. Ông cho rằng khả năng Ukraine trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chính là “lằn ranh đỏ” đối với Điện Kremlin.
Thứ ba, dường như ông muốn chứng minh rằng các cuộc cách mạng như cuộc cách mạng diễn ra ở Kyiv năm 2014 sẽ không mang lại kết quả về lâu dài.
Điều gì có thể xảy ra tiếp theo?
Quyết định của vị Tổng thống Nga đánh dấu sự kết thúc của thỏa thuận hòa bình Minsk, thỏa thuận nhằm giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Động thái này cũng đã vô hiệu thỏa thuận ngừng bắn của chính quyền Kiev và lực lượng ly khai miền đông. Hơn 14.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh giữa hai bên kể từ năm 2014.
Quân đội Nga có thể sẽ sớm được điều động đến miền đông Ukraine. Tối 22-2, chủ nhân Điện Kremlin tuyên bố sẽ hỗ trợ quân sự cho các nước cộng hòa tự xưng ở khu vực Donbass nếu được yêu cầu, nhấn mạnh “Moscow sẽ thực hiện nghĩa vụ nếu cần thiết”.
Thứ trưởng Ngoại giao Andrei Rudenko cho biết các hiệp ước bao gồm việc cung cấp "viện trợ quân sự". Ông nhận mạnh rằng hiện Nga không có kế hoạch điều quân đến các vùng ly khai, nhưng nếu có đe dọa, Moscow sẽ cung cấp hỗ trợ theo các hiệp ước đã được phê chuẩn.
Phương Tây sẽ làm gì?
Các nước phương Tây đã lên án các động thái của Nga và đang tiến hành áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow trong tuần này. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của các biện pháp trừng phạt này vẫn còn gây tranh cãi, trong khi phương Tây nói rõ sẽ không điêu binh đến Ukraine.
Mỹ từng tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp trừng phạt “nặng chưa từng thấy” đối với Nga, có thể nhắm vào lĩnh vực tài chính và ngân hàng của Moscow, nếu nước này động binh với Ukraine. Việc Nga công nhận các vùng lãnh thổ và triển khai quân sự ở khu vực này vẫn được coi là hành động leo thang căng thẳng, song chúng vẫn chưa đủ để Mỹ kích hoạt những biện pháp trừng phạt “nặng chưa từng thấy” mà họ tuyên bố, theo The Guardian.
Hiện vẫn chưa rõ liệu quyết định đưa quân đến các vùng ly khai của ông Putin có khiến Liên minh châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt lớn mà họ đã đe dọa trong nhiều tuần qua hay không.
Nguồn cung khí đốt ảnh hưởng như thế nào đến cuộc khủng hoảng?
Hôm 22-2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đình chỉ quá trình công nhận đường ống dẫn khí NORD STREAM 2 để đáp lại việc Nga công nhận độc lập của hai vùng ly khai.
Được công bố lần đầu tiên vào năm 2015, đường ống trị giá 11 tỉ USD này, thuộc sử hữu của tập đoàn năng lượng Gazprom, chịu trách nhiệm dẫn khí đốt từ Nga sang Đức mà không qua quốc gia trung chuyển khí đốt truyền thống Ukraine bằng cách chạy dọc qua biển Baltic.
Tuy nhiên, đây cũng là dự án gây chia rẽ nhất châu Âu. NORD STREAM 2 đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ trong nội bộ EU, và từ Mỹ cũng như Ukraine, với lý do nó làm tăng sự phụ thuộc năng lượng của châu Âu vào Nga, cắt nguồn ngân sách của Ukraine và khiến nước này “yếu đuối” trước hành động quân sự của Nga.