Lima 1964 và nỗi ám ảnh về thảm hoạ SVĐ tồi tệ nhất thế giới

"Cảnh sát đã không cho những con chó nghiệp vụ chạy tự do, nhưng họ lại để chúng cắn xé quần áo của các cổ động viên quá khích", Hector Chumpitaz, một trong những cầu thủ nổi tiếng nhất của bóng đá Peru, người có mặt trong trận đấu đó và chứng kiến những khoảnh khắc khơi nguồn cho thảm kịch, nhớ lại. "Mọi người đều cảm thấy tức giận, thậm chí phát điên với cách cảnh sát đưa cổ động viên quá khích rời sân".

Cảnh sát tấn công một CĐV nhảy vào sân trong trận đấu năm 1964.

Chumpitaz đã có hơn 100 lần khoác áo đội tuyển Peru. Ông là đội trưởng tại các kỳ World Cup 1970 và 1978, nhưng trước khi có vinh dự mang trọng trách đó, Chumpitaz gần như đã từ bỏ bóng đá sau trận đấu thảm họa tại Lima, ngay khi mới bắt đầu sự nghiệp quốc tế.

Khi tiếp Argentina vào ngày 24/5/1964, trên sân vận động quốc gia, Peru đứng thứ hai trong bảng vòng loại môn bóng đá Olympic khu vực Nam Mỹ. Tinh thần lên cao, nhưng với việc còn phải gặp Brazil ở trận cuối, Peru cần ít nhất một kết quả hòa với "vũ đoàn tango".

"Mặc dù chúng tôi chơi tốt, Argentina đã vượt lên dẫn trước", Chumpitaz nhớ lại. "Chúng tôi tấn công, còn họ thì phòng ngự, cứ thế cho đến khi một hậu vệ Argentina phá bóng lên. Khi đó, một đồng đội của tôi là Kilo Lobaton giơ chân lên chặn khiến bóng bay ngược vào khung thành. Thật đáng tiếc là trọng tài lại cho rằng đó là một pha phạm lỗi và không công nhận bàn thắng. Đó cũng là lý do khiến đám đông bắt đầu khó chịu".

Không lâu sau tình huống gây tranh cãi, hai CĐV quá khích nhảy xuống sân. Người đầu tiên có tên Bomba, cố tấn công trọng tài trước khi bị cảnh sát lôi khỏi sân. Người thứ hai, Edilberto Cuenca, chưa kịp làm gì thì đã bị đánh tơi tả.

"Cảnh sát đã đánh đập như thể anh ấy là kẻ thù của họ. Điều đó khiến tất cả mọi người cảm thấy tức giận, bao gồm cả tôi", khán giả có tên Jose Salas nhớ lại.

CĐV quá khích bị lôi khỏi sân.

Chỉ vài giây sau vụ hành xử thô bạo của cảnh sát, đám đông trên khán đài bắt đầu trút mưa vật thể lạ xuống sân. Khoảng 30 khán giả thì cố nhảy xuống sân đòi công đạo cho hai CĐV bị bắt. Đoán trước được tình hình, Salas và bạn bè bèn ra về sớm.

"Năm người chúng tôi đi xuống cầu thang để rời sân, nhưng cũng như nhiều người khác, chúng tôi phát hiện ra rằng cổng ra vào bị khóa", Salas cho biết. "Chúng tôi quay lại và khi đó cảnh sát bắt đầu phun hơi cay. Khán giả cố chạy trốn, và tạo ra một vụ giẫm đạp kinh hoàng".

Salas ở khán đài phía bắc, nơi cảnh sát phun số hơi cay lớn nhất - từ 12 đến 20 bình. Kẹt cứng trong dòng người nhích xuống cầu thang suốt 2 giờ đồng hồ, chân của Salas thậm chí không chạm tới mặt sàn cho đến khi xuống được phía dưới. Mắc kẹt cùng ông là hàng chục người sống chết lẫn lộn.

Hồ sơ vụ án chỉ ra rằng hầu hết các nạn nhân chết vì ngạt thở. Nhưng điều khiến cho thảm họa này trở nên tồi tệ hơn nhiều so với các thảm họa khác là những gì diễn ra bên ngoài sân vận động.

Trong khi một số khán giả mở được cổng thoát khỏi sân và giải phóng cho những người bị mắc kẹt bên trong, những người khác đã tham gia vào một trận chiến với cảnh sát vũ trang.

"Một số người hàng xóm đi qua và phát hiện ra tôi còn sống. Tôi khá gầy, và cuối cùng họ kéo được tôi ra", Salas cho biết. "Nhưng ngay sau đó tiếng súng nổ và đạn bay khắp nơi. Tôi chỉ biết chạy và không thể ngoái lại".

Trong lúc khán giả giẫm đạp lên nhau chạy trốn, các cầu thủ cũng không thể rời đi.

"Chúng tôi trốn được vào phòng thay đồ, sau đó một số người đi ra ngoài và trở lại nói rằng có hai ca tử vong", Chumpitaz cho biết. "Chúng tôi bàng hoàng, vì một người chết đã là quá nhiều rồi. Chúng tôi đã ở trong phòng thay đồ suốt hai giờ đồng hồ mới có thể rời đi. Trên đường trở lại nơi luyện tập, chúng tôi nghe trên đài phát thanh có 10, 20 rồi 30 trường hợp tử vong. Mỗi khi có tin tức, con số lại tăng lên. 50, 150, 200, 300 rồi 350".

Theo hồ sơ vụ án thì số người thiệt mạng là 328. Nhưng con số có vẻ như đã bị cắt bớt, vì không tính những người chết bởi súng đạn. Phía chính quyền cho rằng không tìm thấy xác để chứng minh điều đó.

Khán đài sân vận động quốc gia Peru một ngàysau thảm họa.

Sân vận động ngày nay.

Jorge Salazar, một nhà báo từng viết sách về thảm họa, cho biết xã hội Peru những năm 1960 rất hỗn loạn. "Khi đó mọi thứ trên thế giới đang thay đổi. Tại Peru, mọi người lần đầu tiên nói chuyện về công bằng xã hội. Có rất nhiều cuộc biểu tình và chuyện cảnh sát đụng độ với người dân thường xuyên xảy ra", Salazar nói.

Nhiều người trong số những khán giả thoát khỏi sân vận động cũng tham gia hỗn chiến để trả thù cảnh sát. Hai cảnh sát thiệt mạng trong những trận đánh trên đường phố.

Năm mươi năm sau thảm họa, nghị sĩ quốc hội Peru, Alberto Beingolea, người kêu gọi dành một phút cuối tuần qua để tưởng niệm các nạn nhân, nghi ngờ rằng bạo lực đã được lên kế hoạch từ trước bởi chính phủ năm xưa hoặc những người cách mạng. 

Peru đã không bao giờ thực hiện nghiêm túc việc điều tra tận gốc thảm họa, và điều này có thể là không bao giờ. Những người bị trừng phạt chỉ được tính trên hai đầu ngón tay. Người đầu tiên là Jorge Azambuja , chỉ huy cảnh sát ra lệnh bắn hơi cay, bị kết án 30 tháng tù giam. Người còn lại là thẩm phán Castaneda, với lý do nộp báo cáo muộn 6 tháng và không tham dự tất cả 328 cuộc khám nghiệm tử thi.

Năm nay, người đứng đầu Viện Thể thao Peru - một trong bốn VĐV nước này từng đoạt huy chương Olympic, Francisco Boza - đã thực hiện một nỗ lực chưa từng thấy, liên lạc với gia đình các nạn nhân và mời họ đến mộ tập trung tưởng niệm. Nhưng vẫn không có một dòng chữ nào hiển thị trên màn hình sân vận động quốc gia để nhắc lại thảm họa tồi tệ nhất của bóng đá từng xảy ra ở đây.

Thảm kịch sân vận động trong lịch sử bóng đá

Năm1968, địa điểmBuenos Aires - 74 người thiệt mạng

1971, Glasgow (Ibrox) - 66

1982, Moscow - 66 (có báo cáo cho biết có340 người thiệt mạng nhưng không được xác nhận)

1989, Sheffield (Hillsborough) - 96

1996, Guatemala - 84

2001, Ghana -126

Theo Thảo Chi (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới