Lo hoa Tết ế, nhà vườn tích cực lên TikTok tiếp thị

(PLO)- Lo ngại sức mua chậm, nhiều hộ trồng hoa Tết quyết định giữ giá bán, đồng thời đổi mới nhiều cách bán hàng trong mùa hoa Tết năm nay.

Trong những ngày này, làng hoa Thới An (phường Thới An, quận 12) và nhiều hộ trồng hoa tại huyện Bình Chánh, TP.HCM tất bật hơn bao giờ hết. Đây là cao điểm các chủ vựa hoa bước vào giai đoạn chăm sóc cho vụ hoa Tết.

Giá hoa dự kiến ổn định

Ông Đoàn Văn Viễn (ấp 3, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh) cho biết, năm nay vì lo tình hình kinh tế khó khăn, sức mua yếu nên ông chủ động giảm số lượng chậu từ 30.000 chậu còn 15.000 - 16.000 chậu các loại. Đồng thời, ông giữ nguyên giá bán, dù nguyên vật liệu đầu vào tăng.

Theo đó, dự kiến giá bán sỉ đối với hoa cúc vạn thọ loại 1 gốc/chậu là 20.000 đồng và 3 gốc/chậu là 40.000 đồng. Mãn đình hồng dao động từ 50.000 - 60.000 đồng/chậu, mào gà dao động 50.000 đồng/chậu...

Dù vậy, ông Viễn vẫn thấp thỏm lo âu về mùa hoa Tết, bởi theo ông, Tết 2024 ông "ế" khoảng 3.000 chậu vì bị thương lái "boom" hàng.

“Ở thời điểm hiện tại hoa đang phát triển tốt, chỉ lo từ đây tới Tết, thời tiết thất thường, ảnh hưởng tới thời điểm ra bông của hoa. Năm nay sức mua chậm, chưa thấy thương lái hỏi mua, trong khi thông thường thời điểm này, thương lái đã xuống tiền cọc” - ông Viễn nói.

Tương tự, tại khu vực Thới An, quận 12, nhiều hộ nông dân cũng đang tất bật cho việc chăm sóc, nuôi cây giai đoạn ra hoa.

Nông dân đang tất bật chăm hoa. ẢNH: THU HÀ

Nói với PLO, anh Ngô Văn Tuấn, chủ vựa rau giống Ngọc Nhung (Thới An, quận 12, TP.HCM) bày tỏ lo ngại về tình hình kinh tế khó khăn sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu mua hoa Tết. Vì thế trong mùa hoa này, gia đình anh quyết định giảm lượng hoa trồng xuống còn 1/3 so với cùng kỳ năm trước.

Tại Thới An, quận 12, nhiều hộ nông dân đang tất bật chăm hoa Tết. ẢNH: THU HÀ

Cạnh đó, anh ưu tiên trồng các loại hoa phổ biến trong ngày Tết như cúc tây, vạn thọ, mào gà. Giá bán dự kiến 160.000 - 180.000 đồng/cặp đối với cúc tây, 70.000 - 80.000 đồng/cặp hoa mào gà...

"Phân bón, giống... đều tăng nhưng nếu nhà vườn tăng giá hoa thì sẽ rất khó bán. Do đó chúng tôi chấp nhận giảm lợi nhuận, giữ giá, giữ khách" - anh Tuấn nói và kỳ vọng người dân sẽ ủng hộ mùa hoa Tết 2024.

Hoa lan đắt khách

Đối với hộ trồng lan tại Bình Chánh, ông Nguyễn Văn Thảo, chủ vườn lan Thanh Diễn ở xã Phong Phú hồ hởi cho biết, hiện tại vườn lan của ông có khoảng 50.000 chậu Dendrobium các loại (ra hoa và chưa ra hoa). Đối với hàng cho Tết, toàn bộ số hoa đã được thương lái đặt cọc hết và đang gửi lại vườn để nhờ ông chăm sóc.

"Tôi chưa ước tính được sản lượng chậu ra bông là bao nhiêu nhưng chắc chiếm khoảng 2/3 vườn. Đối với hoa lan Dendrobium, sẽ ra hoa quanh năm lại có thể trưng nhiều dịp nên cứ ra đợt nào là thương lái thu mua đợt đó.

Năm nay kinh tế khó khăn, nên giá hoa bán ra cũng được bình ổn, giữ nguyên với mức giá từ 30.000 đồng/chậu" - ông Thảo nói.

Ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Củ Chi, TP.HCM thông tin, hiện tại diện tích trồng lan tại Củ Chi ước đạt khoảng 200 ha với các dòng lan Dendrobium, lan Mokara, lan Ngọc Điểm...

Tính tới thời điểm hiện tại, các giao dịch lan vẫn bình thường, không sốt cũng không chậm. Nguyên nhân được ông Dũng chỉ ra là do tình hình chung kinh tế khó khăn, nhiều thương lái cho biết hiện người dân vẫn chưa có nhu cầu nhiều về hoa, do đó họ vẫn ngần ngại chưa dám xuống tiền cọc nhiều.

Cũng theo ông Dũng, ước tính năm nay giá hoa lan các loại sẽ không có biến động lớn. Hiện tại giá lan Dendrobium, loại cao 12 cm giá từ 30.000 - 35.000 đồng/cây, lan Mokara - đặc sản của Củ Chi, có giá từ 130.000 đồng/cây 2 vòi.

"Cũng như mọi năm, các hộ trồng lan tại đây đặt nhiều kỳ vọng với dòng lan Mokara, bởi đây là dòng sản phẩm đặc trưng của Củ Chi, và miền Bắc thì không có. Do đó, lan Mokara được bán khắp các tỉnh thành trên cả nước" - ông Dũng nói.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, tính đến tháng 8-2024, diện tích trồng hoa và cây kiểng của TP đạt 2.195 ha. Trong đó, diện tích trồng mai đạt 810 ha, lan các loại đạt 305 ha, hoa nền 450 ha và kiểng - bonsai đạt 630 ha.

Đổi mới cách bán hàng

Cùng với các kênh bán hàng qua thương lái, ông Phạm Anh Dũng cho biết, năm nay các hộ nông dân trồng lan tại Củ Chi tăng cường đầu ra tại các chợ hoa tại địa phương và các chợ hoa Tết do TP.HCM tổ chức.

"Hầu hết các hộ trồng lan tại Củ Chi đều bán sỉ cho thương lái, và số ít sẽ bán lẻ theo các kênh bán của mình như đăng tải trên Zalo, Facebook, cũng có hộ bán trên các nền tảng mới như TikTok...

Năm nay, những nhà vườn như chúng tôi cũng đang tăng tốc các kênh bán hàng, đồng thời đặt ra nhiều phương án chăm sóc hoa nếu còn tồn dư hoa sau Tết. Theo đó, hoa bán dư sẽ có phương án mang về chăm sóc và chuẩn bị bán tại hội thi hoa lan vào dịp 30-4-2025" - ông Dũng nói.

Đối với nhà vườn anh Ngô Văn Tuấn, anh cho biết hơn một năm qua đã chủ động đổi mới cách bán hàng. Cứ mỗi sáng và chiều, anh và vợ đều thực hiện các phiên livestream đều đặn trên Facebook để bán cây giống và nhận đặt hoa Tết online. Ngoài ra, anh cũng tích cực đăng tải các bài viết, hình ảnh về hoa Tết trên các phương tiện mạng xã hội.

Anh Tuấn thực hiện đều đặn các phiên livestream trên Facebook và TikTok. ẢNH: THU HÀ

Đồng thời, anh lập kênh Tiktok để quay vườn hoa, cây giống vừa tư vấn, vừa tăng độ nhận diện và bán hàng trên nền tảng này.

Theo anh Tuấn, hiện nay doanh số bán hàng của vựa hơn 50% nhờ các phương thức kinh doanh mới này.

"Năm nay, lo ngại sức mua hoa Tết sẽ không bằng mọi năm, nên tôi chủ động khai thác lợi thế về bán cây giống để triển khai dòng rau giống sạch cung ứng cho người dân tại TP.HCM có nhu cầu trồng trên sân thượng, vườn nhà...Cùng đó, tôi trồng thêm các giống ớt trong chậu vừa dùng để trưng, vừa có thể ăn... cung ứng cho mùa Tết" - anh Tuấn nói.

Cách bán hàng của anh Tuấn, cũng được anh Kim Sơn, chủ vựa mai và cây kiểng bonsai tại TP. Thủ Đức áp dụng. Anh Sơn cho biết, đã thuê 2 nhân viên để livestream trên Facebook các phiên sáng và chiều, mỗi phiên dài từ 2 - 3 tiếng nhằm bán và tư vấn cách trồng, chăm sóc cây bonsai và mai mini cho dịp Tết.

Anh Sơn kỳ vọng, cách bán hàng này sẽ giúp đơn vị anh kết nối thêm nhiều khách hàng tiềm năng.

Làng hoa Sa Đéc thử nghiệm hoa mới

Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), nổi danh với hơn trăm năm tuổi, dự kiến cung ứng hàng trăm nghìn chậu hoa các loại cho thị trường Tết năm nay. Tại Tổ hợp tác hoa kiểng Tân An, phường An Hòa, các thành viên đã trồng hơn 200.000 chậu hoa các loại, trong đó cúc mâm xôi màu chiếm 30.000 giỏ, tăng gấp ba lần so với năm trước.

Ông Đặng Quang Giàu, Tổ trưởng Tổ hợp tác, chia sẻ: “Chúng tôi đã chuẩn bị nhiều tiểu cảnh độc đáo để phục vụ khách du lịch, dự kiến chúng tôi sẽ làm tiểu cảnh tim khổng lồ được sắp đặt từ hàng ngàn giỏ cúc mâm xôi màu, ao sen kết hợp cầu khỉ, cùng các tiểu cảnh xuồng ghe để du khách có thêm nhiều trải nghiệm thú vị khi đến tham quan.”

Ngoài các giống hoa truyền thống như cúc Đài Loan, hồng, vạn thọ, người dân Sa Đéc năm nay tiếp tục thử nghiệm các loại hoa mới như cúc pingpong, cúc pico, và kiểng ăn trái như nho, quýt.

Theo ông Giàu, thời điểm hiện tại cúc mâm xôi đã có nụ và thương lái từ khắp nơi, thậm chí từ Hà Nội, đã đến khảo sát và đặt hàng trước. “Thương lái năm nay đến khảo sát nhiều hơn và đã đặt hàng được 50% hoa rồi, giá cả thì từ bằng đến hơn năm rồi”, ông Giàu cho hay.

Theo Phòng Kinh tế TP Sa Đéc, diện tích hoa kiểng phục vụ Tết năm nay duy trì ở mức 100 ha, trong đó tập trung phát triển các giống hoa chất lượng cao và các dòng hoa kiểng có tiềm năng xuất khẩu.

Bên cạnh việc sản xuất hoa kiểng để cung ứng thị trường, các hộ dân còn tập trung chỉnh trang khu vực trồng hoa, tạo nên những điểm tham quan độc đáo, thu hút du khách trong dịp Tết.

HẢI DƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới