Chiều 19-3, đoàn công tác liên ngành do Vụ An toàn Giao thông (thuộc Bộ GTVT) chủ trì làm việc với ba hãng tàu cánh ngầm đang hoạt động trên tuyến TP.HCM - Vũng Tàu. Nhưng sau gần một tháng tái kiểm tra chất lượng tàu cánh ngầm, đoàn vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng.
Chưa rõ nguyên nhân cháy
Như Pháp Luật TP.HCM thông tin, sau sự cố tàu cánh ngầm Vina Express bị cháy (ngày 20-1) trên sông Sài Gòn, TP.HCM đã lệnh tạm đình chỉ hoạt động đối với toàn bộ tàu cánh ngầm tuyến TP.HCM - Vũng Tàu từ ngày 22-1. Theo Sở GTVT, qua kiểm tra cho thấy cả chín chiếc tàu đều đã trên 20 năm tuổi, có thân, vỏ tàu đã xuống cấp và tàu mắc nhiều lỗi ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn khi chở khách.
Chiều 19-3, ông Bùi Công Trùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Vina (Vina Express), cho biết đơn vị đã khắc phục xong những khiếm khuyết nêu trên và đã được kiểm tra, xác nhận. “Các yêu cầu về đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ như bọc lại dây dẫn điện, hiện tượng rò rỉ dầu… cũng đã được khắc phục hoàn toàn” - ông Trùng nói.
Riêng nguyên nhân vì sao chiếc tàu Vina Express 01 bị cháy đến nay vẫn chưa xác định được, trong khi đó đây là thông tin được dư luận đặc biệt quan tâm. “Nếu là lỗi kỹ thuật thì với những yêu cầu về thiết bị chữa cháy, nghiệp vụ phòng - chữa cháy của nhân viên khi xảy ra sự cố vẫn có thể kịp thời xử lý, ngăn lửa bùng phát. Do vậy, cá nhân tôi vẫn nghiêng về nguyên nhân tàu cháy là do con người” - ông Trùng nhận định.
Đình đốn vì sự cố
Đại diện các hãng tàu cánh ngầm cho rằng việc kiểm tra toàn diện các điều kiện an toàn của tàu cánh ngầm là cần thiết. Tuy nhiên, việc kiểm tra cần được hoàn tất sớm để loại bỏ tàu không đủ an toàn. Còn tàu nào vẫn đảm bảo hoạt động an toàn thì phải sớm cho phép hoạt động trở lại.
“Việc kéo dài thời gian dừng hoạt động gần hai tháng qua khiến doanh nghiệp thất thu gần chục tỉ đồng. Trong khi đó, để duy trì hoạt động, hằng tháng doanh nghiệp phải chi trả tiền lương cho người lao động trên 300 triệu đồng, đó là chưa kể chi phí văn phòng, điện, nước” - ông Trần Quốc Hiệu phản ánh.
Tương tự, do bị cấm hoạt động đồng thời, hãng tàu Green Lines (vận chuyển mỗi ngày khoảng 1.000 lượt khách) cũng bị thất thu khoảng 6 tỉ đồng/tháng. Do không có nguồn thu từ khi tàu cánh ngầm bị “cấm cửa”, doanh nghiệp lâm vào cảnh lao đao, phải cho 2/3 nhân viên (khoảng 60 người) tạm nghỉ việc. Trước lệnh tạm ngừng hoạt động kéo dài không biết thời gian kết thúc, các hãng tàu tỏ ra hoang mang, không rõ số phận các chiếc tàu đã lỡ đầu tư ra sao.
MINH PHONG
Tại cuộc họp chiều 19-3, tổ công tác đã yêu cầu thuyền trưởng, tổ máy… của các hãng tàu cánh ngầm thực hiện các yêu cầu bảo dưỡng, chạy tàu nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách. Đồng thời, tổ công tác cũng thống nhất với các ba hãng tàu cánh ngầm về kết quả quá trình làm việc, làm cơ sở báo cáo Bộ GTVT. “Từ kết quả này, lãnh đạo Bộ GTVT sẽ có buổi làm việc với UBND TP trước khi quyết số phận của những chiếc tàu cánh ngầm này” - đại diện đoàn kiểm tra trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.
|