Chia sẻ thông tin trong cuộc tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng chống thiên tai các tỉnh, thành có đê quan trọng (từ cấp III đến cấp đặc biệt), ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 53 người chết, 137 bị thương, thiệt hại kinh tế 4.000 tỷ do thiên tai gây ra.
Mới nhất trong số này là mưa lớn 350 mm ở Hà Giang hồi giữa tháng 7, gây lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng, tính ra thiệt hại 500 tỷ đồng.
Vào lúc này, mùa mưa lũ ở các tỉnh phía Bắc sắp bắt đầu. Những thiệt hại về người và của nêu trên là cảnh báo để các lực lượng quản lý đê điều, ứng phó thiên tai nhận thức trách nhiệm cao hơn về nhiệm vụ của mình.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: AH
Báo cáo tại hội nghị, đại diện Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Quốc gia về Động lực sông biển, thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, ở Việt Nam đã ghi nhận nhiều trận vỡ đê có tính chất thảm họa.
Như trận lũ năm 1945 làm 79 đoạn đê bị vỡ, gây ngập lụt 11 tỉnh, phá hoại mùa màng, hoa màu, gián tiếp gây ra nạn đói khủng khiếp làm 2 triệu người chết.
Năm 1971, lũ trên hệ thống sông Hồng gây vỡ đê 16 điểm, ngập 200.000 ha, làm 100.000 người chết và mất tích.
Gần đây nhất, mùa lũ năm 1996, đê Thanh Hồng ở Hải Dương bị vỡ và hầu hết các tuyến đê bối trong vùng bị vỡ, tràn, gây hơn 100.000 ha, làm 65 người chết, mất tích...
Đặc thù địa hình, sông ngòi phía Bắc cho phép xây dựng những công trình thủy điện lớn, đa mục tiêu như Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà. Các hồ cùng hệ thống đập ngăn được thiết kế để chống đỡ lũ cỡ 500 năm có một lần. Như vậy sẽ giúp giảm hậu quả lũ cho hạ du.
Tuy nhiên, báo cáo của Phòng Thí nghiệm lưu ý: "Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay thì khả năng xuất hiện các trận lũ lớn vượt thiết kế hoàn toàn có thể xảy ra".
Những gì đang diễn ra ở miền Nam Trung Quốc, trong đó điển hình là các trận lũ dồn dập trên sông Trường Giang, cho thấy tính chất cực đoan của thời tiết, khí hậu năm nay.
Với Việt Nam, theo ông Trần Công Tuyên, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều, kết quả đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều cho thấy nhiều lo ngại.
"Trong hơn 2.700 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt thì còn gần 400 km đê thiếu cao trình, 683 km đê mặt cắt còn nhỏ, 160 km đê thường bị thẩm lậu... Vì vậy, năm 2019 dù không có lũ lớn trên các tuyến sông có đê nhưng vẫn xảy ra hơn 40 sự cố đê điều. Trong đó có những sự cố nghiêm trọng uy hiếp đến an toàn đê như sự cố sạt lở đê tả Thao tại Phú Thọ, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long..." - ông Tuyên nói.
Tình trạng này đòi hỏi các tỉnh, thành có đê cần đầu tư nhiều nhân, vật lực gia cố những điểm xung yếu và quan trắc, theo dõi, hộ đê khi mưa, lũ từ thượng nguồn tràn về.