Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp đầu tiên vào ngày 6 và 7-4 (giờ địa phương) tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump ở bang Florida, Mỹ. Theo AFP, hai nhà lãnh đạo được dự đoán sẽ thảo luận năm vấn đề gây tranh cãi hàng đầu là thương mại, Triều Tiên, biển Đông, Đài Loan và nhân quyền.
Đổi vị thế lấy thương mại?
Theo tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), cuộc gặp giữa Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đưa ra các tín hiệu liệu vai trò của Mỹ trong khu vực sẽ giảm đi hay không. Giới phân tích nhận định nhiều nước châu Á lo ngại rằng vai trò của Mỹ có thể sẽ được đem ra “thỏa hiệp” nếu ông Tập nhượng bộ ông Trump về vấn đề thương mại.
Theo TS Rajeev Ranjan Chaturvedy, Viện Nghiên cứu Nam Á - ĐH Quốc gia Singapore, nhiều nước châu Á như Singapore đang quan sát chặt chẽ kết quả của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung. Theo ông, kết quả của cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập có thể sẽ dẫn tới việc “tái hiệu chỉnh quan hệ đối ngoại và cân bằng chiến lược ở châu Á”.
Còn ông Lee Chih-horng, Viện Phát triển và chiến lược Longus (Singapore), cảnh báo một cuộc chiến thương mại có thể sẽ bùng phát nếu cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo thất bại. “Nếu quan hệ Mỹ-Trung đóng băng, Singapore sẽ buộc phải chọn đứng về phía Mỹ hay TQ. Đây chính là cơn ác mộng đối với Singapore, quốc gia bấy lâu nay tiến hành chính sách ngoại giao cân bằng giữa Mỹ và TQ” - ông Lee nói.
Tuy nhiên, nếu TQ đồng ý giải quyết các vấn đề về thương mại với Mỹ hay được phép đẩy mạnh đầu tư vào Mỹ, không loại trừ viễn cảnh Mỹ “thỏa hiệp” giảm vai trò trụ cột an ninh tại châu Á. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt quốc gia châu Á, điển hình là Nhật Bản đang có các tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh. Giới phân tích cho rằng Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia hiện lo ngại nhất về kết quả cuộc gặp. Nếu trong trường hợp Mỹ nhượng bộ TQ để đổi lấy lợi ích thương mại thì cam kết của Washington đối với các nước này sẽ thay đổi hay không vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh trong tuần này. Ảnh: GETTY
Canh bạc lớn đầy rủi ro
Ông Trump và ông Tập đều là những con người khác biệt cả về lai lịch và lập trường, hãng tin ABC (Úc) nhận định. Trong khi ông Trump là một nhà đàm phán, một tay đầu tư phát triển bất động sản kiêm ngôi sao truyền hình thực tế thì ông Tập lại là chính trị gia chuyên nghiệp có tính cách kiên quyết. Về lập trường chính sách thời gian qua, ông Tập luôn nói rằng ông là một người ủng hộ tự do thương mại, còn ông Trump lại muốn trở về con đường chủ nghĩa bảo hộ, đi ngược lại chính sách của những người tiền nhiệm. Sự khác biệt này về tính cách có thể dẫn đến các rủi ro ngoại giao.
Theo SCMP, cuộc gặp lần này giữa ông Tập và ông Trump được nhìn nhận bằng các quan điểm gần như khác biệt. Trong khi các nhà ngoại giao TQ dường như xem trọng hình thức, các đối tác Mỹ lại tập trung vào chất lượng hơn vẻ ngoài.
Nhiều chuyên gia lo ngại liệu đây có phải là thời điểm thích hợp để ông Tập gặp ông Trump hay không. Theo SCMP, nếu ông Tập được đón tiếp bằng sự lạnh nhạt như Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc gặp với ông Trump gần đây, điều đó sẽ gây ảnh hưởng cho hình ảnh của ông Tập tại TQ. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng sẽ đối mặt trước bài kiểm tra lớn về vai trò lãnh đạo thế giới trong cuộc gặp thượng đỉnh lần này, đặc biệt sau các thất bại đối nội như lệnh cấm nhập cảnh và quyết tâm xóa sổ chính sách Obamacare.
Chuyên gia Huang Jing đến từ ĐH Quốc gia Singapore nhận định hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung diễn ra vào thời điểm khá rủi ro. Nếu ông Tập “xấu mặt” hay hai nhà lãnh đạo thương thảo thất bại thì quan hệ hai nước có thể sẽ xấu hơn trong vài tháng tới, từ đó viễn cảnh thay đổi chính sách tiếp cận của các quốc gia châu Á sẽ khó tránh khỏi.
Thương mại thống trị bàn nghị sự? Ông Trump từng cảnh báo rằng cuộc gặp với ông Tập sẽ “rất khó khăn” và nhấn mạnh Mỹ sẽ tự giải quyết vấn đề Triều Tiên nếu TQ không giúp. Tuy nhiên, hãng tin ABC (Úc) nhận định thương mại rất có thể sẽ là vấn đề được thảo luận nhiều nhất trên bàn nghị sự. TQ và Mỹ hiện chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu. Giao dịch thương mại hằng năm của Mỹ và TQ hiện vào khoảng 600 tỉ USD. Các sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của Mỹ là máy bay, máy móc và đậu nành với tổng giá trị xuất khẩu là 116 tỉ USD. Trong khi đó, tổng giá trị xuất khẩu của TQ lại lớn gấp bốn lần Mỹ (463 tỉ USD) với các mặt hàng chính là hàng điện tử tiêu dùng, quần áo và máy móc. Ông Trump mong muốn sự bất cân bằng thương mại ở khoảng cách lớn này phải được giải quyết trong cuộc gặp với ông Tập. Theo ông James McGregor, cựu Giám đốc Phòng Thương mại Mỹ tại TQ, chính quyền ông Trump sẽ đẩy mạnh thuế bù trừ, các biện pháp chống bán phá giá cùng một loạt biện pháp cứng rắn khác nhằm đối phó TQ để giải quyết vấn đề này. ___________________________ "Bất cứ sự thỏa hiệp nào được đánh giá là ưu tiên quan hệ Mỹ-Trung hơn quan hệ Mỹ-Nhật cũng sẽ gióng hồi chuông cảnh báo đối với Tokyo". GS STEPHEN NAGY, ĐH International Christian (Tokyo) |