Mọi con mắt truyền thông Mỹ đang đổ dồn về cuộc gặp sắp tới của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mỹ.
Một trong hàng loạt vấn đề lo lắng và tính đến là cách Tổng thống Trump sẽ thực hiện nghi thức ngoại giao với Chủ tịch Tập Cận Bình. Lo lắng này hoàn toàn có cơ sở, khi bàn tay ông Trump rõ ràng là một vấn đề. Không phải về kích cỡ, dĩ nhiên, mà là ông Trump sẽ làm gì với hai bàn tay của mình khi gặp ông Tập.
Trong buổi tiếp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, ông Trump đã khiến cả thế giới tròn mắt và các mạng xã hội dậy sóng với cái bắt tay dài 19 giây. Không biết có phải vì ám ảnh với cái bắt tay 19 giây này không mà trong cuộc gặp với ông Trump sau đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã khá chần chừ khi ông Trump chủ động đề nghị bắt tay và chìa mở lòng bàn tay ra. Ông Trudeau sau đó dè dặt đặt tay mình vào tay ông Trump nhưng với năm ngón tay khép chặt với nhau. Lần bắt tay này chỉ kéo dài bốn giây, không có cơ hội cho ông Trump thực hiện thói quen nắm tay người đối diện kéo giật về phía mình. Bàn tay của Tổng thống Trump lại một lần nữa gây chú ý khi từ chối đề nghị bắt tay của nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel trong buổi tiếp bà tại Nhà Trắng.
Cái bắt tay kéo dài 19 giây của Tổng thống Trump (phải) với Thủ tướng Abe khiến mạng xã hội dậy sóng. Ảnh: GETTY IMAGES
Ông Trump sẽ làm gì với hai bàn tay của mình khi gặp ông Tập đang là một sự tò mò lớn. Ông Tập sẽ có hai ngày nói chuyện với ông Trump lại khu nghỉ mát Mar-a-Lago của ông Trump ở bang Florida. Chuyến thăm Mỹ của ông Tập diễn ra sau sự khởi đầu không suôn sẻ trong quan hệ giữa Trung Quốc với tân chính phủ Trump. Trung Quốc phong tỏa mọi liên lạc cấp cao sau khi ông Trump nói không muốn ràng buộc với chính sách “một Trung Quốc” liên quan đến Đài Loan. Cuộc điện đàm giữa hai ông Tập và Trump chỉ diễn ra sau khi ông Trump đồng ý tôn trọng chính sách “một Trung Quốc”.
Theo nhiều chuyên gia ngoại giao Trung Quốc, phái đoàn ngoại giao Trung Quốc sẽ không dễ gì chấp nhận một sự cố ngoại giao như trường hợp cái bắt tay 19 giây giữa ông Trump và ông Abe.
“Lãnh đạo Trung Quốc là người cực kỳ nghiêm túc. Mọi trò chơi xỏ ông Trump muốn làm đều sẽ bị xem như là sự sỉ nhục” - theo Giáo sư quan hệ quốc tế Zhue Feng tại ĐH Nam Kinh (Trung Quốc).
Thủ tướng Trudeau ngần ngại trước bàn tay mở rộng của Tổng thống Trump. Ảnh: GT
Nguy cơ hiểu lầm không chỉ đến từ bàn tay ông Trump. Về cơ bản, phong cách và quan điểm của hai lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hoàn toàn khác nhau. Nhiều quan chức Trung Quốc nói với Time rằng họ cảm thấy lo lắng về những diễn biến có thể xảy ra. Cuộc gặp giữa hai ông Trump-Tập chỉ được hai bên xác nhận cuối tuần trước, so với ba tuần trước chuyến đi của ông Tập đến Sunnyland (Mỹ) năm 2013 và bảy tháng trước khi ông Tập thăm Nhà Trắng năm 2015.
Ông Tập cũng sẽ không nghỉ tại Mar-a-Lago mà sẽ nghỉ tại khu nghỉ mát Eau Palm Beach gần đó. Trung Quốc - dù rất coi trọng lễ nghi ngoại giao và cấp bậc chuyến thăm - trước sau cũng chỉ nói cuộc gặp này là không chính thức, mà theo Time lý do là nhằm tránh khó xử khi hai bên họp báo tại Nhà Trắng (nếu gặp chính thức) mà không ra được tuyên bố chung nào.
Thủ tướng Merkel (trái) chủ động đề nghị bắt tay nhưng Tổng thống Trump làm lơ. Ảnh: GT
Với ông Trump, các cuộc gặp này cũng giống như các cuộc gặp làm ăn kinh doanh. Gặp mặt, chơi golf, ăn tối, sau đó nói chuyện bỗ bã, thẳng thừng. Sau cuộc gặp với ông Abe, ông Trump còn rủ ông Abe dự một bữa tiệc cưới tổ chức tại Mar-a-Lago. Tuy nhiên, không giống ông Abe, ông Tập không chơi golf, không thích ngồi cà kê tiệc tùng. Ông Tập từng có vài tháng sang bang Iowa (Mỹ) học về nông nghiệp nhưng đã hơn ba thập niên trước, thời còn là quan chức lúc trẻ.
“Nếu những gì đã diễn ra với ông Abe lại diễn ra với ông Tập thì sẽ rất là “chuối”. Bạn không thể hình dung điều gì khó chịu với người như ông Tập hơn điều này đâu” - Giáo sư Nick Bisley, chuyên gia về châu Á tại ĐH La Trobe (Úc) nhận định.
Video Tổng thống Trump bắt tay Thủ tướng Abe tới 19 giây. Nguồn: YOUTUBE