Dự thảo Luật Dân số đang được lấy ý kiến đề xuất các cặp vợ chồng có quyền quyết định số con, thời gian sinh và khoảng cách giữa các lần sinh. Trong khi có ý kiến cho rằng việc nới lỏng quyền sinh con của các cặp vợ chồng dễ dẫn đến nguy cơ bùng nổ dân số thì GS-TS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em (IPFCS), lại cho rằng vấn đề đáng lo ngại nhất của dân số đó là việc người dân lười sinh, điều này sẽ tạo ra không ít hệ lụy.
Nên trao quyền quyết định cho vợ chồng
. Phóng viên: Thưa ông, tại sao ông lại ủng hộ phương án trao quyền quyết định số con cho các cặp vợ chồng?
. Phụ thuộc vào sự phát triển, cụ thể là như thế nào, thưa ông?
+ Điều này dựa trên nhiều nghiên cứu. Ngay ở Việt Nam nhiều công trình nghiên cứu của bản thân tôi cũng khẳng định điều đó. Trình độ phát triển của phụ nữ, trình độ đô thị hóa hay chất lượng cuộc sống nâng lên, trình độ phát triển càng nâng cao thì mức sinh càng thấp. Cho nên có thời kỳ Liên Hiệp Quốc đưa ra thông điệp rằng: Phát triển là viên tránh thai tốt nhất. Ý muốn nói là càng phát triển người ta lại càng chú ý tới KHHGĐ hơn.
. Việc các cặp vợ chồng ở những nơi kinh tế phát triển có quy mô gia đình nhỏ là phổ biến nhưng nếu mở việc quyết định khi sinh con như thế có làm bùng phát dân số ở các vùng kém phát triển như nông thôn, miền núi không?
+ Hiện nay ở nông thôn mức sinh cũng giảm chứ không cao. Cụ thể như Kon Tum năm 2009, toàn bộ tỉnh này mức sinh chỉ khoảng 3,6 con, xu hướng chung ở nông thôn vẫn giảm, thậm chí có những vùng khu vực nông thôn mức sinh ít hơn ở TP của tỉnh đó. Kinh nghiệm từ Trung Quốc cũng chỉ ra khi họ thi hành chính sách một con sau đó họ nới lỏng, sau khi điều tra, khảo sát lại người ta thấy số người đẻ hai con không quá nhiều, tỉ lệ không quá 10%.
Theo GS-TS Nguyễn Đình Cử, hiện nay ở vùng nông thôn, miền núi mức sinh cũng giảm. Ảnh: V.THỊNH
“Áo” KHHGĐ không bao đủ
. Trong Pháp lệnh Dân số năm 2003 cũng đã mở quyền tự do quyết định số con cho các cặp vợ chồng, đến năm 2008 lại siết lại, theo ông vì sao lại có việc này?
+ Ở thời điểm đó tôi cũng đã lên tiếng rằng không nên thay đổi theo hướng siết lại như thế. Theo tôi, các nhà hoạch định chính sách có thể không căn cứ vào số liệu thống kê mà căn cứ vào dư luận để ra quyết định. Bởi theo số liệu thống kê trong thời gian từ năm 2003 đến 2008 khi chúng ta trao quyền quyết định số con cho các cặp vợ chồng, đứng trên phạm vi toàn quốc mức sinh ở giai đoạn này vẫn giảm xuống. Nếu có tăng thì cũng chỉ tăng ở một số địa phương nhưng trong hoạch định chính sách thì phải tính đến yếu tố toàn quốc. Hơn nữa, quy định mỗi gia đình chỉ có 1-2 con nhưng không có chế tài gì thì có luật cũng như không, nêu lên như vậy đã bị một điểm trừ về mặt nhân quyền.
. Như vậy theo phân tích của ông, nguy cơ về bùng nổ dân số là không còn, vậy nhiệm vụ KHHGĐ có vẻ như đã hoàn thành?
+ Về cơ bản vấn đề KHHGĐ chúng ta đã giải quyết được nhưng vẫn còn những vấn đề khác chúng ta phải đối mặt như việc phá thai chẳng hạn. KHHGĐ mà tốt thì phá thai sẽ giảm. Hiện nay tình trạng phá thai của chúng ta vẫn rất lớn, điều này chứng tỏ KHHGĐ bị thất bại. Ngoài vấn đề đó chúng ta phải giải quyết nhiều vấn đề dân số đang đặt ra không thuộc lĩnh vực KHHGĐ mà lĩnh vực phát triển, ví dụ già hóa dân số, cơ cấu dân số vàng, di cư, chất lượng dân số. Đây là vấn đề dân số mới, rõ ràng cái áo KHHGĐ không bao đủ sự phát triển của quá trình dân số hiện nay.
Khẩu hiệu mới: Hãy sinh đủ hai con
. Nhìn ở bình diện rộng, theo ông vấn đề nổi lên của dân số nước ta hiện nay là gì?
+ Vấn đề nổi lên là tận dụng cơ hội cơ cấu dân số vàng để phát triển đất nước, thích ứng với quá trình già hóa dân số, vì chúng ta đã bước vào quá trình già hóa dân số rồi… Bên cạnh đó có một thực tế là càng phát triển thì các cặp vợ chồng càng lười sinh hơn. Thế nên trong khẩu hiệu mới của Tổng cục Dân số-KHHGĐ đã kêu gọi vợ chồng hãy sinh đủ hai con. Tiêu biểu cho tình trạng này là ở TP.HCM, theo số liệu hiện nay bình quân mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1,4 con. Tình trạng này sẽ tạo ra rất nhiều hệ lụy.
. Ông có thể dẫn chứng những hệ lụy cụ thể đó?
+ Đó là tình trạng già hóa dân số và thiếu hụt nguồn lao động. Tỉ lệ người già ở nước ta ngày càng tăng lên, hiện nay của chúng ta khoảng 10%. Kinh nghiệm ở nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore cho thấy khi mà mức sinh đã đạt đến mức thay thế (tức là mỗi cặp vợ chồng có 1-2 con) họ lại chậm thay đổi chính sách nên mức sinh xuống quá thấp. Ví dụ như Hàn Quốc bình quân có năm mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1,1 con. Bây giờ những nước này đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số như Nhật Bản 33% là người cao tuổi, hay là thiếu lao động cho nên phải nhập khẩu lao động.
. Xin cám ơn ông.
Điều 11 của dự thảo Luật Dân số lần 3 do Tổng cục Dân số-KHHGĐ, Bộ Y tế ban hành đề xuất nới lỏng chính sách giảm sinh. Theo đó, trong phương án 1 Điều 11 cho biết quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động về dân số và KHHGĐ được quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm với bản thân, gia đình, Nhà nước về thời gian sinh con, số con, khoảng cách giữa các lần sinh. Tuy nhiên, Nhà nước khuyến khích cặp vợ chồng, cá nhân chỉ sinh đến hai con. Theo Tổng cục Dân số-KHHGĐ, hiện có ba kịch bản về công tác dân số. Kịch bản 1: Khi mức sinh tăng, tỉ suất sinh đạt 2,3-2,5 con/mẹ thì đến năm 2049, dân số Việt Nam sẽ đạt mức 140 triệu người. Kịch bản 2: Tỉ suất sinh giảm ở mức 1,35 con/mẹ, quy mô dân số Việt Nam đạt 95-100 triệu người vào năm 2049. Kịch bản 3: Duy trì mức sinh hợp lý khoảng 1,9-2,0 con/mẹ, dân số Việt Nam vào năm 2049 đạt 115 triệu người. |
TS KHUẤT THU HỒNG, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội: Các cặp vợ chồng đều nuôi con tập trung vào chất lượng Thực sự hiện nay hầu hết các gia đình đều không muốn sinh nhiều con, việc nuôi một đứa trẻ rất khó khăn, các cặp vợ chồng đều nhận thấy bây giờ nuôi con cần tập trung vào chất lượng làm sao cho con mình có điều kiện về mặt sức khỏe, học hành, nếu sinh đẻ nhiều con không thể đảm bảo được những điều đó. Hiện tại đại đa số gia đình không muốn sinh nhiều con, ở TP.HCM mức sinh là khá thấp. Việt Nam bây giờ đang phải lo mức sinh giảm mạnh, già hóa dân số, lực lượng lao động trẻ ít đi, giải pháp không phải kiểm soát mức sinh nữa, đây cũng là điều Liên Hiệp Quốc khuyến cáo nước ta. Theo tôi, dân số sẽ giữ mức ổn định nhưng hy vọng mức sinh không giảm nhanh nữa. Các nước trên thế giới không bao giờ kiểm soát mức sinh, kể cả những giai đoạn mức sinh ở các nước này lên cao. Việc chúng ta từng phải đối mặt với mức sinh cao do ngày xưa điều kiện y tế kém, tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong khá cao, thậm chí cả trong quá trình trưởng thành. Ngày nay các biện pháp tránh thai tốt hơn, mức sống cao, điều kiện y tế tốt hơn nên người ta không cần phải sinh nhiều để dự phòng cho các trường hợp xấu. Hơn nữa, hiện nay nhân lực con người đã được máy móc thay thế nhiều, trong sản xuất gia đình cũng không cần nhiều lao động như trước đây. Nhìn ra thế giới, nhiều nước có mức sinh quá thấp đã phải đưa ra nhiều chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đẻ mà chưa hiệu quả. TS LƯU BÍCH NGỌC, Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội: Nên có chính sách, thông điệp cho từng địa phương Theo tôi, hiện nay Nhà nước cũng chỉ dùng từ “nên” chứ không dùng từ “phải”, tức là vẫn đang vận động các cặp vợ chồng về số con chứ không áp đặt. Hơn nữa vấn đề đáng quan tâm hiện nay là tình trạng sinh thấp, như TP.HCM hiện nay mức sinh rất thấp, gia đình nào đã sinh một con thì không sinh nữa, đây là vấn đề nguy hiểm. Đây là nguyên nhân vì sao thông điệp mới bây giờ của Tổng cục Dân số-KHHGĐ là cần phải có đủ hai con, đây là chính sách khuyến sinh nhưng sinh đủ tức là nên có hai con chứ không phải sinh nhiều. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng chính sách không nên áp dụng đồng đều cho cả quốc gia như trước đây mà nên có chính sách, có thông điệp cho từng địa phương khác nhau. Tôi lo ngại ở những vùng kém phát triển nếu Nhà nước bỏ quy định vận động mỗi gia đình chỉ nên có 1-2 con, thả cửa việc này (thả cửa theo nghĩa là Nhà nước không can thiệp, không điều tiết) chắc chắn dân số sẽ bùng lên rất mạnh. Thực tế bộ phận người thu nhập cao lại không muốn sinh nhiều con nhưng những người nửa nghèo, mới thoát nghèo lại thích có đông con. |