Cụ thể, theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới trong thời gian gần đây tăng trưởng đột biến. Chỉ riêng trong năm tháng đầu năm nay, cả nước đã có hơn 1.859 doanh nghiệp thành lập kinh doanh trong lĩnh vực BĐS, tăng 72,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn đăng ký mới của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng tăng đến 43,8% so với cùng kỳ.
Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cũng cho hay chỉ tính trong bốn tháng đầu năm nay, dư nợ lĩnh vực BĐS đã đạt con số 18.275 tỉ đồng, chiếm 15,9% tổng dư nợ trên địa bàn. Trong đó có dư nợ cho cá nhân vay để xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở với nguồn trả nợ từ tiền lương. “Nếu không được quản lý chặt chẽ thì người vay có thể chuyển qua đầu tư BĐS dễ phát sinh rủi ro” - HoREA nhận định.
Cũng lo ngại dòng vốn tín dụng đổ mạnh vào lĩnh vực BĐS, ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khi trao đổi với báo chí cho rằng: “Cần phân tích về khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Đồng thời cần tăng cường kiểm soát rủi ro trong cho vay đối với lĩnh vực BĐS, nhất là phân khúc cao cấp để giảm thiểu nguy cơ về bong bóng như thời gian trước đây”.
Tương tự, theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, tín dụng đổ vào BĐS tăng là tin vui cho các chủ doanh nghiệp BĐS. Nhưng trong giai đoạn này cần thúc đẩy tăng trưởng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, kích cầu tiêu dùng nội địa… chứ không nên dồn mạnh vào nhà đất. Bởi tiêu dùng BĐS là đầu tư lâu dài, ít tạo việc làm, ít tạo sản xuất kinh doanh nhất.
“Nếu ngân hàng tiếp tục cho phép tăng trưởng tín dụng tiêu dùng đổ vào BĐS, một bộ phận giới đầu tư dưới chuẩn - tức là thay vì dựa trên nguồn vốn của mình để đầu tư BĐS dài hạn thì lại dựa vào vốn vay ngân hàng - thì nó sẽ tạo ra tăng trưởng nóng. Như vậy độ rủi ro và mức độ xử lý sẽ còn nặng hơn. Việc đổ mạnh cho vay tiêu dùng BĐS không chỉ khiến hệ thống ngân hàng khó thoát khỏi được khối nợ xấu mà còn dẫn đến nguy cơ đóng băng thị trường này” - ông Hiển cảnh báo.