Lộ trình bóng đá Việt Nam

VFF sau khi bàn bạc với ông thầy người Nhật đã thống nhất giao cho ông đội U-23 chuẩn bị thật tốt cho mục tiêu chung kết SEA Games, đồng thời giám sát tuyển quốc gia đá vòng loại World Cup.

Dĩ nhiên sân chơi Đông Nam Á luôn thiết thực, vừa tầm và dễ chơi hơn nhiều so với vòng loại cúp thế giới mấy chục năm qua bóng đá Việt Nam luôn tham gia mà không biết… đi đâu.

Suốt hai năm qua, kể từ khi đội tuyển Việt Nam đoạt chức á quân SEA Games 18 thì đến bây giờ vẫn chỉ mơ mộng vào ngôi vô địch chờ đợi mòn mỏi từ SEAP Games 1959.

Người hâm mộ mong bóng đá Việt Nam đi đúng lộ trình để phát triển nền tảng chung thay cho những thu hoạch từng vụ mùa. Ảnh: ANH ĐỒNG

Bây giờ hỏi VFF rằng lộ trình bóng đá Việt Nam sẽ đi đến đâu thì rất dễ trả lời như trong chiến lược phát triển từ năm 2012 đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt vào năm 2013. Theo đó, đội tuyển quốc gia nam và đội U-23 phải vô địch AFF Cup, SEA Games từ một đến hai lần; bóng đá nam đứng trong nhóm 15 quốc gia có nền bóng đá hàng đầu châu Á.

Nói thì rất đơn giản nhưng khi bắt tay vào làm không dễ chút nào. Ví như để đạt cái đích cuối cùng còn năm năm nữa, bóng đá Việt Nam phải hoàn thiện hệ thống các giải vô địch quốc gia, các giải trẻ, bóng đá phong trào,… với khối lượng công việc đồ sộ. Đấy chính là cái gốc của một nền bóng đá giúp bộ mặt các đội tuyển quốc gia đẹp đẽ và xứng đáng vô địch Đông Nam Á lẫn nằm trong tốp 15 châu Á bằng chính nội lực của mình mà không phải cố đấm ăn xôi.

Thời cơ sắp đến cho VFF hiện thực hóa giấc mơ của mình khi đặt ra mục tiêu vào chung kết SEA Games 28 diễn ra vào cuối tháng 5 này, dù ban đầu ông chủ tịch VFF đã tính “đá bỏ” một kỳ giúp lứa U-19 cứng cáp.

Vấn đề của VFF ở mỗi nấc thang đi lên phải có sự chuẩn bị và sẵn sàng một cách đồng bộ chứ không phải chỉ khoán trắng cho HLV trưởng là xong. Cứ nhìn cái kiểu mỗi lần tập trung, ông Miura lại vất vả dạy dỗ cho cầu thủ chuyên nghiệp Việt Nam mọi thứ, từ việc chỉnh đốn thể lực cho đến các bài học kỹ, chiến thuật vỡ lòng để phục vụ cho một giải đấu ngắn ngày rồi đâu lại vào đấy.

Bóng đá Việt Nam vừa được ông Miura kích hoạt tinh thần với một suất chơi vòng chung kết U-23 châu Á 2016. Đấy có thể là khởi đầu cho lộ trình tấn công vào tốp 15 châu Á trong năm năm nữa bằng khao khát và nỗ lực của cả một hệ thống bóng đá Việt Nam mà không phải chỉ dựa dẫm vào mỗi ông Miura.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới