Do đó các tín hiệu không dây sẽ không thể tồn tại được ở đây, cũng như các thiết bị di động cũng sẽ không nhận được tín hiệu trong khu vực này.
Vị trí các vùng chết trong mạng không dây được xác định rất dễ dàng khi bạn đi xung quanh ngôi nhà, căn hộ hoặc văn phòng. Một khi đã tìm thấy chúng, bạn nên thử nghiệm với một loạt giải pháp sau đây để sửa chữa bất cứ điều gì gây ra vấn đề này.
Vùng chết trong mạng không dây là gì?
Vùng chết hay điểm chết, đơn giản chỉ là một khu vực nằm trong phạm vi phát sóng của modem, router,...nhưng các thiết bị trong mạng này lại không thể kết nối được với internet.
Nguyên nhân gây nên các vùng chết?
Bất cứ điều gì can thiệp vào sóng Wi-Fi đều có thể tạo ra một vùng chết. Nếu bạn có một ngôi nhà hay một văn phòng lớn, và có bộ định tuyến không dây được đặt ở góc của tòa nhà, thì có thể sẽ có một vùng chết nằm trong góc đối diện, nơi các tín hiệu Wi-Fi không thể tiếp cận.
Hầu hết các ngôi nhà được xây dựng mới bây giờ, đa phần đều gây trở ngại cho các tín hiệu Wi-Fi. Đặc biệt là những ngôi nhà có các bức tường dày bằng thạch cao, các hàng rào, tủ dữ liệu, các bức tường bằng kim loại,…
Bên cạnh đó, còn một số các thiết bị khác cũng có thể can thiệp vào tín hiệu Wi-Fi như điện thoại không dây đời cũ, lò vi sóng, hệ thống an ninh không dây, hệ thống âm thanh không dây…
Nếu đang sống trong một khu vực dày đặc các mạng không dây, thì mạng của bạn cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các mạng Wi-Fi khác khi nó được cấu hình các kênh tín hiệu tương đương như của bạn, điều này sẽ dẫn đến việc giảm cường độ tín hiệu mạng, gây ra các vùng chết.
Làm thế nào để phát hiện các vùng chết hoặc điểm chết?
Việc bạn cần làm là mang theo một chiếc smartphone hoặc tablet, kết nối vào mạng của bạn và đi bộ xung quanh ngôi nhà, căn hộ hoặc văn phòng. Hãy chú ý đến các chỉ số tín hiệu Wi-Fi trên thiết bị của bạn. Nếu cường độ tín hiệu bị giảm xuống còn 0, có nghĩa là bạn đã tìm thấy một vùng chết. Hãy nhớ rằng các chỉ số Wi-Fi sẽ không được cập nhật ngay lúc đó, do đó, bạn nên đi từ từ và chậm rãi ở những khu vực mà bạn cảm thấy tín hiệu bị dao động.
Tất nhiên, bạn cũng có thể sử dụng phần mềm để thực hiện việc này nhanh hơn. Đối với Android, bạn cài đặt ứng dụng Wifi Analyzer tại địa chỉ http://goo.gl/iMgZn, để nó hiển thị chi tiết hơn về cường độ tín hiệu của bạn. Đầu tiên, bạn nhấp vào Signal meter screen và chọn mạng Wi-Fi đang sử dụng. Sau đó, đi bộ xung quanh trong khi ứng dụng đang được mở và cường độ tín hiệu trong mỗi khu vực sẽ được hiển thị ngay lập tức.
Apple không cho phép các ứng dụng của bên thứ ba truy cập vào những thông tin này trên iOS, vì vậy, các thiết bị iPhone, iPad và iPod Touch chỉ có thể dựa vào cường độ tín hiệu Wi-Fi trên thiết bị.
Nếu bạn có một laptop chạy Windows hoặc MAC, bạn cũng có thể sử dụng inSSIDer (http://www.metageek.net/products/inssider/) để đo cường độ tín hiệu, nhưng hãy cẩn thận khi đi bộ xung quanh với laptop, và đừng nhìn chằm chằm vào màn hình của nó mọi lúc mọi nơi.
Cách khắc phục các vùng chết và điểm chết
Khi đã tìm ra chính xác vị trí của các vùng chết, bạn hãy thử một số mẹo dưới đây để loại bỏ chúng.
- Đặt lại vị trí router: Nếu router của bạn đang được đặt trong một góc nhà, và có một vùng chết xuất hiện ở phía đối diện, thì bạn chỉ cần di chuyển router ra một vị trí trung tâm ở giữa nhà là được.
- Điều chỉnh lại ăng-ten của router: Hãy đảm bảo rằng ăng-ten router của bạn được chỉ lên theo chiều dọc. Nếu nó chỉ theo chiều ngang, bạn sẽ không nhận được đầy đủ tín hiệu sóng tương ứng với khả năng của nó.
- Xác định lại vị trí và vật cản: Nếu router của bạn được đặt cạnh một tủ hồ sơ bằng kim loại, thì điều này sẽ làm giảm cường độ tín hiệu của bạn. Do đó, bạn hãy cố gắng sắp xếp nó ở một vị trí tốt hơn, hạn chế để gần các thiết bị bằng kim loại, lò vi sóng, hồ cá,…
- Chuyển sang các kênh ít tắc nghẽn: Để làm được việc này, bạn có thể sử dụng các ứng dụng phân tích tín hiệu ở phía trên để xác định các kênh không dây ít bị tắc nghẽn, sau đó thay đổi lại các thiết lập trên router cho phù hợp để tránh bị nhiễu từ các mạng không dây khác.
- Thiết lập một Wireless Repeater: Ngoài những cách trên, bạn có thể thiếp lập một Wireless Repeater để mở rộng phạm vi phủ sóng. Điều này là khá cần thiết đối với một môi trường mạng trong những tòa nhà hoặc văn phòng rộng lớn.
- Sử dụng một kết nối có dây: Cuối cùng, bạn cũng nên xem xét đến việc sử dụng một kết nối có dây. Ví dụ, nếu tín hiệu mạng không dây trong nhà bạn là khá tốt, nhưng trong các phòng kín thì có thể không phải vậy, vì nó bị ngăn cách bởi các bức tường, hoặc do những lưới kim loại nằm bên trong.
Do đó, bạn có thể chạy một cáp Ethernet từ router đến phòng ngủ, hoặc mua TP-LINK TL-PA4010KIT AV500 Nano Powerline Adapter Starter Kit tại địa chỉ (http://goo.gl/Cke7im), sau đó thiết lập một bộ định tuyến không dây trong phòng.
Suy cho cùng, việc xuất hiện các vùng chết hay điểm chết là do chính vị trí mà bạn đặt router, ảnh hưởng của mạng Wi-Fi hàng xóm, hay do những bức tường ngăn cách quá nhiều,…Vì vậy, bạn hãy từng bước xác định vấn đề của mình, và áp dụng một trong các cách trên để thử khắc phục sự cố.