Loạn cảng biển, dịch vụ cảng loạn theo

Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) vừa có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ GTVT… đề nghị hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối cảng biển, thống nhất giá dịch vụ cảng biển.

Cảng tràn lan nên “đói” hàng

Ông Lê Công Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn), cho biết hiện tình trạng đầu tư xây dựng cảng biển tràn lan, thiếu quy hoạch hạ tầng giao thông kết nối cảng biển đang khiến nhiều cảng phải hoạt động cầm chừng (dưới 30% công suất thiết kế). “Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều cảng biển ở nước ta đã được đầu tư xây dựng với số vốn lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, quá trình đầu tư cảng biển đã không gắn liền với việc quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các cảng biển khiến hàng hóa khó lưu thông. Trong khi hệ thống đường sắt chưa vươn tới các cảng biển thì giao thông đường bộ lại xuống cấp, không đạt yêu cầu. Hầu hết các tuyến đường bộ kết nối với cảng biển đều thuộc dạng nhỏ hẹp, xe chở container lưu thông rất khó khăn” - ông Minh nói.

Ông dẫn chứng các tuyến đường dẫn ra cảng biển của TP.HCM như tuyến đường liên tỉnh lộ 25B, đường Nguyễn Tất Thành, đường vào cảng Bến Nghé mới tại phường Phú Hữu (quận 9, TP.HCM)… thường xuyên bị ùn tắc, kẹt xe hàng giờ liền. Các tuyến đường tại luồng tàu chạy nằm trên hệ thống sông Sài Gòn, đoạn qua cầu Phú Mỹ (quận 7, TP.HCM), tàu hàng phải xin phép trước mới được qua cầu khiến lộ trình bị chậm lại.

Tại các cảng biển miền Bắc, số liệu thống kê cho thấy khối lượng hàng hóa qua cảng sụt giảm nhanh chóng. Nếu như năm 2008, hàng qua cảng tăng 28% thì đến năm 2010 chỉ còn tăng 2% vì hệ thống luồng lạch nhiều năm không nạo vét, duy tu nên nhiều đoạn bị bồi đắp.

Cụm cảng Cần Thơ (khu vực ĐBSCL) trong đó có cảng Cái Cui cũng rơi vào tình trạng “đói hàng”.

Loạn cảng biển, dịch vụ cảng loạn theo ảnh 1

Giá dịch vụ tại nhiều cảng biển nước sâu đang bị hạ thấp để thu hút các hãng tàu. Ảnh: TT

Giá dịch vụ cảng bị đẩy xuống thấp

Cảng biển tràn lan, thiếu quy hoạch trong khi lượng hàng hóa thông qua cảng đang sút giảm khiến các cảng biển đua nhau hạ thấp giá dịch vụ.

Ông Minh cho biết: “Trong năm 2010 khối lượng hàng hóa xuất/nhập qua các cảng biển đạt trên 154 triệu tấn, trong đó hàng container đạt khoảng 6,5 triệu TEU. Với sự hình thành các cảng nước sâu tại Bà Rịa-Vũng Tàu (thuộc cụm cảng số 5), ngày càng có nhiều hãng tàu lớn ra vào khu vực TP.HCM làm hàng. Tuy nhiên, do lượng hàng hóa qua cảng biển giảm, trong khi có nhiều cảng biển xây thêm nên xảy ra tình trạng giảm giá dịch vụ để thu hút các hãng tàu cập cảng. Lượng hàng hóa khan hiếm cộng với việc đầu tư dàn trải hệ thống cảng biển trong thời gian qua đã gây ra tình trạng “thừa cảng - thiếu hàng”. Để thu hút các tàu cập cảng, nhiều cảng đã hạ giá dịch vụ kho bãi, bốc xếp container... Hiện hầu hết kho chứa hàng, bãi container của các cảng đều trống nên họ phải tìm cách lấp đầy để khỏi lỗ vốn. Về phía các hãng tàu, họ tranh thủ cơ hội này để làm giá, đẩy giá dịch vụ xuống thấp”.

Theo VPA, hiện giá dịch vụ kho bãi, xếp dỡ hàng container tại các cảng nước sâu trong khu vực Cái Mép - Thị Vải bị hạ thấp quá mức. Chi phí tối thiểu cho việc xếp dỡ container tại các cảng thường dao động 65-70 USD/TEU nhưng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải chỉ thu hơn nửa với hơn 30 USD/container loại 20 feet và 50 USD/container loại 40 feet, kèm theo nhiều khoản ưu đãi, khuyến mãi khác. Việc hạ thấp giá dịch vụ tại cảng đang khiến cho các nhà đầu tư cảng biển gặp nhiều khó khăn về tài chính, thua lỗ kéo dài. Với mức giá dịch vụ tại khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải so với các cảng biển có năng lực bốc xếp container tương tự trong khu vực thì chúng ta thấp hơn 2-3 lần so với các nước. Cụ thể như: cảng Singapore thu 117 USD/container loại 20 feet và hơn 160 USD/container loại 40 feet, cảng Hong Kong thu 269 USD/container loại 20 feet và 450 USD/container loại 40 feet.

Định mức sàn để nắm quyền chi phối

Theo ông Minh, việc thu phí dịch vụ quá thấp sẽ khiến hoạt động cảng biển Việt Nam bị suy yếu, nhiều doanh nghiệp kinh doanh cảng biển sẽ phá sản. Nếu để tình trạng thua lỗ tiếp tục kéo dài, nguy cơ quyền chi phối hoạt động các cảng biển Việt Nam sẽ rơi vào tay đối tác nước ngoài do doanh nghiệp trong nước không đủ năng lực tài chính để góp vốn.

“Mức giá dịch vụ tại các cảng biển là do cảng tự đưa ra trên cơ sở cân đối lỗ - lãi chứ không có quy định cụ thể của Nhà nước. Tuy nhiên, do xảy ra tình trạng cung vượt quá cầu nên các cảng hạ mức giá, hút hàng về cảng của mình. Trường hợp Nhà nước can thiệp vào mức giá dịch vụ thì chúng ta sẽ vi phạm những quy định trong WTO (Nhà nước phải để các doanh nghiệp cạnh tranh công bằng về giá cả - PV).

Tuy nhiên, VPA cũng kiến nghị Chính phủ có biện pháp ổn định giá dịch vụ cảng biển để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các cảng (áp dụng mức giá sàn dịch vụ làm hàng ở khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải là 65 USD/container loại 20 feet và 100 USD/container loại 40 feet).

Lượng container xuất khẩu trong năm 2011 của Việt Nam giảm nên nhiều hãng tàu lớn như Hanjin, Yangmin, Kline… đã ngưng đưa tàu mẹ (tàu có trọng tải lớn) cập cảng Việt Nam. Hàng hóa xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu phải luân chuyển qua các cảng trung gian ở Hong Kong, Singapore… Do đó, nhiều hãng tàu chạy tuyến ngắn đã thao túng, làm giá dịch vụ tại cảng.

Đại diện một cảng thuộc cụm cảng Cái Mép - Thị Vải

Hệ thống cảng biển “nở rộ” tại Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị… nhưng trang thiết bị lạc hậu, năng lực bốc xếp kém, phần lớn đang bị “phơi sương” do khát hàng.

Tại khu vực cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đã có thêm bảy cảng container đang xây dựng, trong đó có bốn cảng đã đi vào hoạt động. Dự kiến đến năm 2025, khu vực này sẽ có 20 cảng nước sâu. Với số lượng cảng biển phát triển “chóng mặt”, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển cảng biển gắn liền với quy hoạch giao thông cầu, đường là cấp bách.

VPA kiến nghị lên Chính phủ

TẤN TÀI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm