Loạt vụ nổ ở Lebanon báo động nguy cơ vũ khí hóa thiết bị liên lạc cầm tay

(PLO)- Loạt vụ nổ xảy ra với máy nhắn tin và bộ đàm của nhóm vũ trang Hezbollah làm dấy lên câu hỏi về nguy cơ các thiết bị liên lạc cầm tay cũng như các phương tiện điện tử nói chung bị vũ khí hóa.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong hai ngày 17 và 18-9, loạt sự cố hy hữu xảy ra với các thiết bị liên lạc cầm tay của nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon khiến nhiều người không khỏi nghi ngờ về một hành động tấn công có chủ đích.

Ngày 17-9, loạt máy nhắn tin cầm tay phát nổ trên khắp Lebanon, bao gồm các khu vực miền nam Lebanon, vùng ngoại ô phía nam thủ đô Beirut và Thung lũng Bekaa ở phía đông. Tất cả khu vực này đều là thành trì của Hezbollah. Vụ nổ làm 12 người chết và gần 2.800 người bị thương.

Chỉ một ngày sau đó, hàng loạt bộ đàm cầm tay của các thành viên Hezbollah đã phát nổ trên khắp Lebanon khiến 20 người chết và hơn 450 người bị thương.

Một phóng viên của hãng tin Reuters ở vùng ngoại ô phía nam thủ đô Beirut nói rằng sau khi một số bộ đàm phát nổ, các thành viên Hezbollah điên cuồng tháo pin ra khỏi các bộ đàm nào chưa phát nổ, ném vào thùng kim loại. Những diễn biến này đặt ra câu hỏi về mối nguy hiểm mà các thiết bị liên lạc cầm tay đặt ra đối với an ninh.

thiet-bi-lien-lac.jpg
Một máy nhắn tin của chiến binh Hezbollah bị nổ. Ảnh: AFP

Câu hỏi về nguồn gốc các thiết bị

Tờ Euronews dẫn thông tin từ SMEX - một tổ chức phi chính phủ về kỹ thuật số ở Lebanon - rằng các thiết bị này có thể đã bị can thiệp trong quá trình vận chuyển.

Nhóm vũ trang Hezbollah nói rằng trước khi đến Lebanon, các thiết bị này đã cập cảng nhiều tháng trước đó và Israel có thể đã ra tay trong khoảng thời gian này. Một nguồn tin an ninh cấp cao của Lebanon nói với Reuters rằng Hezbollah đã đặt hàng 5.000 máy nhắn tin cho các thành viên của mình và các máy này đến Lebanon vào khoảng 6 tháng trước.

Các máy bộ đàm được mua vào cùng thời điểm với máy nhắn tin. Chưa rõ hai loại thiết bị này được vận chuyển đến Lebanon như thế nào.

thiet-bi-lien-lac-1.jpg
Bộ đàm của các chiến binh Hezbollah đã được tháo pin hôm 18-9. Ảnh: AFP

Ban đầu, các máy nhắn tin được xác định là do công ty Đài Loan Gold Apollo sản xuất. Tuy nhiên, công ty Gold Apollo sau đó nói rằng đã cấp phép cho công ty BAC (trụ sở ở thủ đô Budapest, Hungary) sử dụng thương hiệu và BAC mới là bên sản xuất các máy nhắn tin bị nổ ở Lebanon.

Cơ quan quản lý kinh tế Đài Loan cho biết không có hồ sơ nào về việc xuất khẩu trực tiếp máy nhắn tin Gold Apollo sang Lebanon.

Trong khi đó, chính phủ Hungary ngày 18-9 nói rằng công ty BAC đăng ký hoạt động tại Budapest “là một trung gian giao dịch” không có cơ sở sản xuất nào tại Hungary. “Các thiết bị được nhắc đến chưa bao giờ có mặt ở Hungary” - Bộ trưởng Truyền thông Quốc tế Hungary Zoltan Kovacs nhấn mạnh.

Tương tự, nguồn gốc của máy bộ đàm cũng khá mơ hồ. Công ty Icom (Nhật) - nơi được cho là sản xuất các máy bộ đàm vừa phát nổ - cho biết công ty đang điều tra các cáo buộc, nhưng những dấu hiệu ban đầu cho thấy các bộ đàm ở Lebanon là hàng giả.

“Tôi có thể đảm bảo với các bạn rằng đó không phải là sản phẩm của chúng tôi” - ông Ray Novak, Giám đốc bán hàng cấp cao của của Icom, nói.

Theo ông Novak, Icom đã giới thiệu mẫu bộ đàm V-82 - mẫu vừa phát nổ - từ năm 2004 đến tháng 10-2014 và vận chuyển nó đến các thị trường nước ngoài, bao gồm Trung Đông. Tuy nhiên mẫu máy này ngừng sản xuất khoảng 10 năm trước và việc sản xuất pin để vận hành máy cũng đã ngừng. Kể từ đó, công ty cũng không xuất khẩu bất kỳ lô hàng V-82 nào ra nước ngoài.

Icom cũng lưu ý rằng sản phẩm của công ty chỉ được bán ra nước ngoài thông qua các nhà phân phối được ủy quyền và đã áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ theo quy định của chính phủ Nhật.

Nhật và Đài Loan cho biết đang điều tra vụ việc.

Thiết bị liên lạc của Hezbollah bị vũ khí hóa thế nào?

Các chuyên gia đã đưa ra nhiều giả thiết về nguyên nhân các thiết bị liên lạc ở Lebanon phát nổ, nguyên nhân thuyết phục nhất chính là các thiết bị này đã bị cài chất nổ vào bên trong.

Ông Justin Cappos - GS an ninh mạng tại ĐH New York (Mỹ) - nói rằng nổ pin, phổ biến nhất là pin lithium, cũng có thể gây ra hỏa hoạn nguy hiểm. Tuy nhiên, GS Cappos cho rằng “các thiết bị này được thiết kế để phát nổ khi được kích hoạt” chứ không phải là một sự cố về pin. Thế nên, vị chuyên gia cho rằng những người sử dụng thiết bị có pin lithium không cần quá lo lắng.

Đồng quan điểm, ông Michael Horowitz - người đứng đầu bộ phận tình báo tại công ty tư vấn quản lý rủi ro và an ninh Le Beck International (có trụ sở ở Trung Đông) - tin rằng vụ nổ có thể là do thiết bị đã bị sửa đổi chứ không phải do bị tấn công mạng.

“Chúng tôi chưa bao giờ thấy chiến thuật này được sử dụng ở quy mô này, nhưng đây không phải là cuộc tấn công có thể ảnh hưởng tất cả các máy nhắn tin như một vụ tấn công mạng” - ông Horowitz nói với đài CNN.

Các chuyên gia cũng nhận xét rằng việc đưa vật liệu nổ vào một thiết bị liên lạc để kích nổ đồng thời là một quá trình phức tạp và tinh vi. Theo ông Paul Amoroso - cựu sĩ quan kỹ thuật vũ khí của Lực lượng Phòng vệ Ireland, có rất ít vật liệu nổ có đường kính và trọng lượng đủ nhỏ để đặt vào các thiết bị liên lạc. Ngoài ra, cũng cần đưa kíp kích nổ với kích thước cực nhỏ vào bên trong thiết bị.

Ông Amoroso nói rằng việc này đòi hỏi kỹ thuật cao, nên khả năng đây là “một thiết bị được nhà nước thiết kế riêng” chứ không phải một cá nhân hay tổ chức có thể làm được.

Vị chuyên gia cũng đặt vấn đề tại sao các thiết bị liên lạc đã cài chất nổ có thể vượt qua việc kiểm tra của Hezbollah, có thể là vì đối phương đã “cấy một lượng rất nhỏ chất nổ, vật liệu có khả năng nổ cao” vào mạch điện tử của các thiết bị.

“Hezbollah có khả năng kiểm tra những thiết bị này nhưng có vẻ như những thiết bị này rõ ràng có công nghệ và khả năng quá vượt trội. Đây là lý do tại sao việc kiểm tra thông thường rất khó xác định, đặc biệt là khi máy nhắn tin đang hoạt động” - theo chuyên gia Amoroso.

Nguy cơ về các cuộc tấn công nhắm vào thiết bị cầm tay

Các vụ nổ gần đây ở Lebanon làm dấy lên mối lo ngại về các rủi ro an ninh trong các thiết bị liên lạc cũng như thiết bị điện tử hàng ngày.

Khi thiết bị liên lạc cầm tay trở thành vũ khí
Một vụ nổ mới xảy ra tại đám tang của những người thiệt mạng do máy nhắn tin phát nổ ở ngoại ô thủ đô Beirut (Lebanon) ngày 18-9. Ảnh: AFP

Các chuyên gia an ninh cho rằng các thiết bị như đồng hồ thông minh, tai nghe và thiết bị y tế cũng có thể dễ bị lợi dụng. Quy mô của các cuộc tấn công sẽ bị hạn chế tùy theo công nghệ của từng sản phẩm.

Chẳng hạn các thiết bị kết nối tầm ngắn chỉ có thể bị lợi dụng cho các cuộc tấn công ở khoảng cách gần, quy mô nhỏ, trong khi các thiết bị kết nối Internet vạn vật (IoT) thì ngược lại.

“Internet vạn vật (IoT) bao quanh chúng ta và các thiết bị kết nối IoT ở khắp mọi nơi. Các thiết bị như điện thoại thông minh, tai nghe và thậm chí các thiết bị chăm sóc sức khỏe có thể được sửa đổi để chứa các tải trọng độc hại” - ông Vineet Kumar, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch toàn cầu của tổ chức phi lợi nhuận CyberPeace Foundation, nói.

Ông Nandakishore Harikumar - nhà sáng lập công ty an ninh mạng Technisanct (Ấn Độ) - nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo mật chuỗi cung ứng trong sản xuất thiết bị điện tử. Chuyên gia này đề xuất các nhà sản xuất cần đưa ra cảnh báo nếu có bất kỳ thành phần giả mạo nào được đưa vào bên trong thiết bị.

Công ty Apple đã áp dụng phương pháp này, khi có pin giả lắp vào Iphone, thiết bị sẽ cảnh báo cho người dùng tại mục tình trạng pin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm