Loạt vụ nổ ở Lebanon có vi phạm luật chiến tranh?

(PLO)- Nhiều chuyên gia cho rằng hành động gây ra hàng loạt vụ nổ các thiết bị liên lạc ở Lebanon khiến hàng ngàn người thương vong có thể vi phạm lệnh cấm tấn công bừa bãi và không cân xứng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chỉ trong vòng 2 ngày, Lebanon chứng kiến hàng loạt vụ nổ các thiết bị liên lạc. Ngày 17-9 xảy ra các vụ nổ máy nhắn tin cầm tay của Hezbollah khiến 12 người chết, gần 3.000 người bị thương. Sau đó là hàng loạt vụ nổ các bộ đàm cầm tay của các thành viên Hezbollah ngày 18-9 khiến 20 người chết và hơn 450 người bị thương.

Hàng loạt vụ nổ xảy ra cùng lúc đã gây ra cảnh hoảng loạn ở đất nước có hơn năm triệu dân này, khi các trung tâm y tế quá tải và người dân chạy ra đường, vừa sợ hãi vừa hoang mang.

Vi phạm luật chiến tranh?

Các chuyên gia cho biết vụ nổ thiết bị liên lạc không dây trên khắp Lebanon mà Hezbollah cáo buộc Israel thực hiện có khả năng vi phạm luật chiến tranh, theo kênh Al Jazeera. Điều này bao gồm khả năng vi phạm lệnh cấm tấn công bừa bãi và không cân xứng, vì các vụ nổ ở Lebanon đã giết chết hàng chục người và làm bị thương hàng nghìn người khác.

các vụ nổ ở Lebanon.jpg
Khói bốc lên tại một cửa hàng điện thoại di động ở Sidon (Lebanon) ngày 18-9. Ảnh: CNN

Luật sư Sarah Leah Whitson - người đứng đầu của một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Mỹ nói: “Bạn không được phép đặt bẫy những đồ vật mà dân thường có thể nhặt được và sử dụng, hoặc những đồ vật thường liên quan mục đích sử dụng thông thường của dân thường".

“Đây chính xác là lý do tại sao chúng ta thấy sự tàn phá mà chúng ta đang chứng kiến ở Lebanon. Bất kỳ ai cũng có thể nhặt được một trong những máy nhắn tin này. Chúng ta cũng không biết ai có máy nhắn tin, hoặc liệu chúng có phải là mục tiêu quân sự hợp pháp hay không" - bà Whitson nói thêm.

Israel chưa xác nhận sự liên quan trong các cuộc tấn công trên. Israel thường lập luận rằng các hoạt động quân sự của nước này là chính đáng như một phần của cuộc chiến chống "chủ nghĩa khủng bố".

Những người ủng hộ Israel mô tả các vụ nổ ở Lebanon là “chính xác”. Thực tế các vụ nổ xảy ra xung quanh dân thường, tại các đám tang và trong các tòa nhà dân cư, cửa hàng tạp hóa, và nhiều nơi khác.

Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Volker Türk gọi các vụ tấn công là hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế và kêu gọi một "cuộc điều tra độc lập, toàn diện và minh bạch".

“Việc nhắm mục tiêu đồng thời vào hàng nghìn cá nhân, bất kể là dân thường hay thành viên của các nhóm vũ trang, mà không biết ai là người sở hữu các thiết bị tại thời điểm xảy ra cuộc tấn công là vi phạm luật nhân quyền quốc tế và, trong phạm vi áp dụng, là luật nhân đạo quốc tế" - ông Türk nói.

Luật nhân đạo quốc tế là một tập hợp các quy tắc được nêu trong các hiệp ước toàn cầu nhằm bảo vệ những người không tham chiến trong xung đột vũ trang cũng như cấm các cuộc tấn công “không nhằm vào một mục tiêu quân sự cụ thể”.

Luật quốc tế và vụ nổ ở Lebanon

Luật sư nhân quyền Huwaida Arraf tại Mỹ cũng chia sẻ quan điểm trên của bà Whitson, nói rằng các vụ nổ ở Lebanon đã vi phạm lệnh cấm tấn công bừa bãi cũng như lệnh cấm các thiết bị bẫy liên quan mục đích sử dụng của dân thường. Điều này đã được quy định trong Nghị định thư năm 1996 về lệnh cấm hoặc hạn chế sử dụng mìn, bẫy và các thiết bị tương tự.

“Việc sử dụng bẫy mìn hoặc các thiết bị khác dưới dạng vật thể di động dường như vô hại nhưng được thiết kế và chế tạo đặc biệt để chứa vật liệu nổ đều bị nghiêm cấm” - theo Nghị định thư năm 1996.

luật chiến tranh.jpg
Lực lượng cứu hộ đưa nạn nhân lên xe cứu thương tại Beirut (Lebanon) ngày 18-9. ẢNh: CNN

Luật sư Whitson nhận định rằng việc số người thương vong cao trong các vụ nổ ở Lebanon cho thấy các thiết bị được cài bẫy về “bản chất không phân biệt đối tượng".

“Chúng không có khả năng nhắm vào một mục tiêu quân sự cụ thể và từ những gì chúng ta đã thấy và những gì có thể dự đoán được thì rất rõ ràng là chúng sẽ gây thương tích cho các mục tiêu quân sự và dân thường mà không phân biệt đối tượng” - bà Whitson nói, cáo buộc rằng các vụ nổ là "quyết định có chủ ý của Israel" nhằm tạo ra sự hỗn loạn ở Lebanon.

Theo ông Arraf, cách duy nhất để các cuộc tấn công có thể được coi hợp pháp là phải có các biện pháp bảo vệ dân thường và đảm bảo rằng các vụ nổ chỉ nhắm vào các mục tiêu quân sự hợp pháp. Tuy nhiên, các thiết bị phát nổ trên khắp Lebanon mà không có cảnh báo trước.

“Có những người biện hộ cho Israel lập luận rằng đây không phải là một cuộc tấn công bừa bãi mà là rất có mục tiêu. Nhưng như chúng ta đang biết, những quả bom này đã phát nổ ở các siêu thị và những nơi công cộng khác. Nếu mục tiêu là dân thường Lebanon nói chung, thì điều đó là chắc chắn rồi” - ông Arraf cho hay.

GS Craig Martin tại ĐH Luật Washburn (Mỹ) cho rằng việc gây ra các vụ nổ ở Lebanon có khả năng vi phạm một số điều khoản của luật nhân đạo quốc tế, bao gồm nguyên tắc về tính tương xứng và biện pháp phòng ngừa để tránh gây hại cho dân thường.

Tính tương xứng là khái niệm cho rằng bất kỳ tác hại nào đối với dân thường do hành động quân sự gây ra không được quá mức so với "lợi thế quân sự trực tiếp và cụ thể được dự kiến".

“Nếu bạn không biết vị trí của từng loại thuốc nổ này, và ai sẽ bị thương, thì thật khó để thấy được đánh giá chi tiết về tính tương xứng có thể được thực hiện, dù là hành động tập thể hay từng cuộc tấn công riêng lẻ này” - ông Martin cho hay.

Ngoài những thương tích trực tiếp và nỗi kinh hoàng mà người dân trên khắp Lebanon phải trải qua, GS Martin cho biết những tác động "có thể thấy trước" của các vụ nổ ở Lebanon đối với hệ thống y tế của Lebanon cũng nên được đưa vào các cuộc thảo luận về khả năng mất tương xứng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm