Lọc mỡ máu ngừa đột quỵ: Coi chừng biến chứng!

(PLO)- Hiện chưa có khuyến cáo chính thức về việc lọc mỡ máu phòng ngừa đột quỵ nhưng theo phân tích chuyên môn, phương pháp này đem lại nhiều rủi ro, biến chứng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chị NTPD (40 tuổi, ngụ TP.HCM) chia sẻ cha mẹ chị đều trên 60 tuổi, có bệnh nền cao huyết áp và đái tháo đường, tình cờ thấy trên mạng xã hội quảng cáo lọc mỡ máu ngừa được đột quỵ nên muốn liên hệ lọc máu.

Lọc một phát… khỏi lo bệnh tật?!

Cha mẹ chị D cho hay theo quảng cáo thì chỉ cần lọc máu một lần là… khỏe, chi phí chừng mười mấy triệu đồng, lại nhẹ nhàng, nhanh chóng. Nếu có điều kiện, lâu lâu “lọc một phát” khỏi lo bệnh tật gì.

“Thực tế là ngày càng có nhiều người bị đột quỵ nên những người lớn tuổi rất lo lắng. Tuy nhiên, phương pháp này nghe mới quá, hiệu quả lại được thần thánh hóa, tôi không tin chỉ lọc máu một lần mà ngừa được đột quỵ” - chị D hồ nghi.

Bác sĩ BV ĐH Y Dược TP.HCM đang thăm khám cho một bệnh nhân bị đột quỵ.
Bác sĩ BV ĐH Y Dược TP.HCM đang thăm khám cho một bệnh nhân bị đột quỵ. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Còn chị ĐTH (38 tuổi, ngụ Lào Cai) do bắt gặp quảng cáo lọc mỡ máu ngừa đột quỵ trên trang web của một cơ sở y tế tư nhân nên gọi điện thoại đến cơ sở tìm hiểu. Đầu dây bên kia tư vấn đây là phương pháp hiện đại, giúp tống sạch mỡ máu xấu, kim loại nặng, độc tố thần kinh, protein có hại trong máu… nhằm ngừa tai biến, đột quỵ.

Mỡ máu cao là tình trạng rối loạn chuyển hóa chất béo trong cơ thể, dẫn đến tăng cao các cholesterol xấu và chất béo dự trữ. Tuy nhiên, lọc máu chỉ là điều trị triệu chứng, không điều trị gốc rễ căn bệnh để giải quyết dứt điểm vấn đề. Người dân cần lưu ý không phải lọc một lần sẽ hết mỡ máu suốt đời vì mỡ máu sản sinh là do mình nạp vào, do cơ địa tự chuyển hóa…

BS CKI ĐÀO DUY KHOA, BV ĐH Y Dược TP.HCM

“Nhân viên cơ sở nói trước lọc máu khách hàng sẽ được xét nghiệm, hội chẩn bởi các chuyên gia giỏi. Cơ sở có hệ thống máy lọc máu hiện đại, bộ màng lọc siêu thông minh thế hệ mới. Chi phí một lần lọc khoảng 25 triệu đồng. Tôi chưa đăng ký ngay vì muốn tìm hiểu thêm” - chị H chia sẻ.

Nhiều rủi ro, biến chứng

ThS-BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh (BV Quân y 175), cho biết lọc mỡ máu là dùng một thiết bị lọc chuyên dụng nhằm tách và loại bỏ một phần các mỡ trong máu người bệnh. BV có thực hiện phương pháp này với người bệnh mỡ máu tăng cao, bị biến chứng đe dọa tính mạng.

“Lọc mỡ máu là phương pháp điều trị can thiệp và xâm lấn nhiều vào cơ thể, cần được làm tại các BV lớn có chuyên môn và kinh nghiệm. Chưa có khuyến cáo chính thức nào về lọc mỡ máu phòng ngừa đột quỵ và hiện tại đây không phải là cách phòng ngừa đột quỵ” - BS Nghĩa nhấn mạnh.

Để phòng ngừa mỡ máu hiệu quả, người dân nên khám định kỳ tầm soát về mỡ máu cũng như các nguy cơ đột quỵ khác để được can thiệp kịp thời. Nếu có vấn đề về mỡ máu, người bệnh cần tuân thủ tốt việc điều trị, tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ.

Theo BS CKI Đào Duy Khoa, Đơn vị Đột quỵ, khoa Thần kinh (BV ĐH Y Dược TP.HCM), hiện trong y khoa chưa có số liệu nghiên cứu về phương pháp lọc mỡ máu phòng ngừa được đột quỵ. BV chỉ lọc mỡ máu cho các trường hợp bệnh nặng, được chỉ định với quy trình nghiêm ngặt.

“Khi thực hiện thủ thuật xâm lấn, rút máu ra để lọc và truyền ngược vô, ít nhiều sẽ có rủi ro. Nếu không đảm bảo quy trình, vệ sinh, người bệnh có thể bị nhiễm trùng, biến chứng liên quan như tụt huyết áp, lây bệnh qua đường máu từ người lọc trước đó” - BS Khoa khuyến cáo.

Phòng ngừa đột quỵ đúng cách

Người dân nên tầm soát sớm đột quỵ tại các phòng khám chuyên khoa thần kinh của các BV có kinh nghiệm điều trị và dự phòng đột quỵ để được bác sĩ tư vấn phác đồ điều trị cụ thể cho từng trường hợp.

Với người có bệnh lý về tim mạch, nội tiết hoặc đã đột quỵ trước đó cần hết sức cảnh giác, tuân thủ nghiêm phác đồ điều trị. Cần thường xuyên tái khám định kỳ nhằm đánh giá việc điều trị và kịp thời phát hiện các biến chứng, phòng ngừa đột quỵ mới hoặc tái phát trong tương lai.

Cạnh đó, nên tăng cường vận động thể lực, giảm tiêu thụ các thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường tinh luyện, nhiều chất béo xấu, nhiều muối. Thay vào đó nên tăng cường rau xanh trong khẩu phần ăn, không lạm dụng bia rượu, thuốc lá…

ThS-BS HOÀNG TIẾN TRỌNG NGHĨA,
Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh, BV Quân y 175

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm