Loét lưỡi kéo dài nên nghĩ đến ung thư

Ông BVT (55 tuổi, ở Tây Ninh) tự điều trị một vùng loét nhỏ bên bờ phải của lưỡi bốn tháng không khỏi nên đến bác sĩ khám. Sau khi xem qua vùng loét, bác sĩ nghi ngờ ông bị ung thư lưỡi nên giới thiệu ông đến BV Ung bướu TP.HCM để khám. Bệnh viện tiến hành lấy sinh thiết và kết luận ông bị ung thư lưỡi, phải cắt bỏ vùng bị ung thư, nếu không sẽ di căn sang các vùng khác.

Ông HVT (47 tuổi, ở Long An) ban đầu bị nhiệt miệng, sau đó lưỡi bị loét. Ông đã điều trị nội khoa ba tháng ở một bệnh viện nhưng các bác sĩ không phát hiện bệnh ung thư. Nghi ngờ bị ung thư lưỡi nên người nhà đã đưa ông đến BV Ung bướu khám. Sau khi làm sinh thiết, các bác sĩ khẳng định ông T. đã bị ung thư lưỡi.

Nam giới dễ bị hơn phụ nữ

Theo bác sĩ Võ Đăng Hùng, Trưởng khoa Ngoại V, BV Ung bướu TP.HCM, ung thư lưỡi là bệnh thường gặp nhiều nhất trong các ung thư vùng miệng. Nó phát sinh từ sự biến đổi ác tính biểu mô phủ lưỡi hoặc các mô liên kết cấu trúc lưỡi. Đây là bệnh thường hay gặp ở người già (độ tuổi từ 50 đến 60). Nam giới dễ bị ung thư lưỡi hơn phụ nữ.

Loét lưỡi kéo dài nên nghĩ đến ung thư ảnh 1

Rượu, thuốc lá, nhai trầu, xỉa thuốc là những tác nhân chính gây ung thư lưỡi. Trong ảnh: Một số trường hợp bị ung thư lưỡi. (Ảnh do BV cung cấp)

Lý giải nguyên nhân nam giới dễ bị hơn, bác sĩ Hùng cho biết: “Các thói quen có nguy cơ gây ung thư lưỡi cao là uống rượu, hút thuốc lá, nhai trầu và xỉa thuốc. Tuy nhiên, số nam giới hút thuốc lá, uống rượu nhiều hơn so với số phụ nữ ăn trầu, xỉa thuốc nên tỉ lệ nam giới bị bệnh sẽ cao hơn”.

Theo bác sĩ Hùng, rượu, thuốc lá, trầu sẽ tạo ra những chất kích thích và hóa chất độc hại tác dụng trực tiếp lên niêm mạc và làm tổn thương lưỡi. Những tổn thương này nếu kéo dài có thể gây ung thư. Ngoài ra, những chấn thương của lưỡi (do răng hoặc do tác động từ bên ngoài), hoặc bị viêm vùng miệng, họng… lâu ngày nhưng không điều trị cũng chuyển sang ung thư lưỡi. Nếu không phát hiện sớm có thể di căn sang các bộ phận khác như xương, phổi, gan… và có thể dẫn đến tử vong.

“Đa số bệnh nhân thường nhập viện ở giai đoạn muộn (giai đoạn III, IV) và không biết mình bị ung thư lưỡi vì cứ tưởng bị nhiệt miệng hoặc viêm loét vùng lưỡi. Khi đó, chúng tôi buộc phải cắt bỏ nửa lưỡi hoặc nặng hơn thì phải cắt bỏ toàn bộ lưỡi của bệnh nhân. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chức năng nói và nuốt thức ăn của người bệnh. Nếu như bệnh nhân phát hiện bệnh sớm hơn và đến các cơ sở y tế để khám thì sẽ không dẫn đến hậu quả đáng tiếc như vậy!” - bác sĩ Hùng bày tỏ.

Vệ sinh răng miệng để phòng ngừa

Khi bệnh nhân gặp một trong những biểu hiện như: xuất hiện hạch ở cổ, vết loét lâu ngày, có vệt màu trắng hoặc đỏ ở hai bên lưỡi, chảy máu lưỡi, ngứa hoặc đau rát lưỡi, có khối u ở vùng lưỡi hoặc khó khăn khi nói, nhai… thì nên gặp bác sĩ. Không loại trừ một trong những biểu hiện trên là triệu chứng của ung thư lưỡi.

“Nếu phát hiện ung thư lưỡi sớm, các bác sĩ sẽ cắt bỏ phần u ung thư đúng mức, sau đó tạo hình lại cho lưỡi. Riêng đối với những bệnh nhân bị cắt nửa lưỡi hoặc toàn bộ phần lưỡi thì hiện chưa có bệnh viện nào ở Việt Nam có thể tạo hình được. Trên thế giới đã có một số nước thực hiện việc này thành công nhưng phương pháp thì chưa được phổ biến rộng rãi. Đây là khó khăn hiện nay trong công tác điều trị” - bác sĩ Hùng cho biết.

Theo bác sĩ Hùng, biện pháp phòng ngừa ung thư lưỡi tốt nhất là mọi người nên bỏ thói quen hút thuốc lá, ăn trầu, xỉa thuốc và hạn chế uống rượu. Nếu lưỡi bị viêm, loét và được điều trị đúng cách trong vòng 10-15 ngày nhưng chưa khỏi thì bệnh nhân nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để khám bệnh và hướng dẫn điều trị. Việc vệ sinh răng miệng sạch sẽ cũng giúp phòng ngừa các bệnh về răng miệng và giảm thiểu nguy cơ ung thư lưỡi.

Một nghiên cứu của nhóm bác sĩ Nguyễn Hữu Phúc, Nguyễn Chấn Hùng và Trần Văn Thiệp với 310 bệnh nhân bị ung thư lưỡi tại BV Ung bướu TP.HCM từ năm 1999 đến 2001 cho thấy: Độ tuổi trung bình của bệnh nhân bị ung thư lưỡi là 57,9; tỉ lệ nam/nữ là 1,7/1. Bệnh nhân nhập viện muộn (giai đoạn III, IV) là 61,6%. Tỉ lệ người bệnh còn sống sau ba năm điều trị là 47% (điều trị ở giai đoạn I, II là 70,9%; giai đoạn III, IV là 28,8%).

HUYỀN VI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm