Lợi dụng tục ‘bắt vợ’, coi chừng ở tù

Chiều 6-2, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Trung tá Đinh Anh Dũng, Trưởng Công an huyện Quỳ Hợp, Nghệ An, cho biết đang tích cực điều tra vụ “bắt vợ” trái pháp luật gây xôn xao dư luận. Qua xác minh ban đầu, thanh niên tên Q., dân tộc Thái có tình cảm với cô VTH (24 tuổi, dân tộc Thái, trú bản Quắn, xã Liên Hợp). Tuy nhiên, Q. và ba người bạn đã tổ chức bắt H. trên đường khiến cô gái hoảng loạn, vùng vẫy, tháo chạy. H. không bị thương tích và bốn thanh niên không bắt giữ H. quá lâu.

Bị cưỡng ép bắt đi

Trước đó, cộng đồng mạng xôn xao với clip dài gần ba phút ghi lại cảnh “cướp vợ” xảy ra vào chiều 2-2 tại xã Châu Lộc. Cô H. đang đứng bên đường chờ bắt xe đò vào miền Nam làm việc thì một nhóm thanh niên ép cô lên xe máy. Cô đã vùng chạy nhưng không thành, chiếc xe máy chở ba người không đội mũ bảo hiểm lao đi. Nhóm thanh niên cho biết đây là việc bắt người về làm vợ theo phong tục tập quán của địa phương. Nhiều người lên tiếng can ngăn rằng hôn nhân là việc tự nguyện, không thể cưỡng ép nhưng nhóm thanh niên vẫn ép cô lên xe đưa đi. Cô H. ngồi trên xe vùng vẫy trong bất lực và la hét thất thanh. Trước đó H. đã phải lánh ở nhà người thân nhiều ngày để khỏi bị bắt đưa về làm vợ…

Theo Trưởng Công an huyện Quỳ Hợp, hiện cô H. đã vào miền Nam làm việc và chưa có đơn đề nghị xử lý bốn thanh niên trên. Công an huyện sẽ cung cấp thông tin cụ thể sau khi hoàn tất việc xác minh, điều tra sự việc. Trong khi theo Chủ tịch UBND xã Châu Lộc Nguyễn Duy Hưng, hiện cô H. đã rời khỏi địa phương nên không biết trước đó hai người đã tìm hiểu, yêu nhau hay chưa.

Bốn thanh niên hợp sức khống chế bắt cô H. về làm vợ của Q. (Ảnh Soha cắt từ clip)

Lợi dụng phong tục là phạm luật

Phong tục bắt vợ hay bắt chồng thường diễn ra ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số như người Thái, người H’Mông. Chẳng hạn bắt vợ là một thủ tục làm tắt của những cặp mà “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Tức là đôi trai gái yêu nhau, muốn tiến đến hôn nhân nhưng để rút ngắn thời gian và tiền bạc thì nhà trai tổ chức bắt vợ.

Theo luật sư Trần Văn Đạt (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận), cũng như những giao dịch khác trong đời sống, việc bắt vợ hay bắt chồng chỉ được diễn ra sau khi đã có sự đồng thuận của các bên liên quan. Nếu nó không có tín hiệu thể hiện sự đồng ý của một bên thì người thực hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Nếu không chấn chỉnh dễ dẫn đến lạm dụng, xâm hại đến phụ nữ và trẻ em gái.

Điều 123 BLHS hiện hành quy định về tội bắt giữ người trái pháp luật có thể bị xử phạt từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 10 năm.

Dấu hiệu của tội trên là hành vi ngăn cản, tước đoạt sự tự do hoạt động, tự do dịch chuyển thân thể của người khác trái luật về căn cứ thẩm quyền và thủ tục. Hành vi của nhóm thanh niên đã đủ cấu thành việc bắt người trái pháp luật vì đã dùng vũ lực như khóa tay ép cô H. phải lên xe đến nơi theo ý họ. Nếu trong quá trình bắt người mà gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của cô H. thì tùy trường hợp còn bị truy cứu về các tội phạm tương ứng với hành vi xâm phạm.

LS Đạt phân tích hành vi này còn có thể bị truy cứu các tội như hiếp dâm (nếu xâm hại tình dục phụ nữ), hiếp dâm trẻ em (nếu xâm hại bé gái dưới 13 tuổi). Giả sử khi bị bắt trái phép và cô H. đồng ý ở lại làm vợ hoặc sau khi người khác can thiệp mới được thả ra thì vẫn bị xem xét hình sự. Tình tiết cô H. đồng ý chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ. “Tôi nghĩ cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm để bảo vệ những tập tục tốt đẹp, tránh bị lạm dụng, ảnh hưởng đến phẩm giá của phụ nữ và trẻ em gái” - LS Đạt nói.

TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM) cũng cho rằng căn cứ vào hình ảnh mà clip quay lại thì có dấu hiệu của tội bắt giữ người trái pháp luật. Tuy nhiên, TS Tuấn băn khoăn ở việc xử lý bởi phải dựa trên văn hóa dân tộc ở địa phương đó. Nếu người dân địa phương có phong tục coi đây là chuyện bình thường thì cần phải cân nhắc. Còn nếu phong tục đó không còn hoặc việc bắt vợ không đúng bản chất phong tục thì đó là trái luật. Trong vụ này, khi cô H. bị bắt, nhiều người chứng kiến có can ngăn chứng tỏ họ không đồng tình với việc làm của bốn thanh niên.

Luật gia Đồng Mạnh Hùng (Hội Luật gia TP.HCM) và luật sư Đặng Thành Trí (Đoàn Luật sư TP.HCM) cùng nhận định rằng hành vi của nhóm thanh niên có dấu hiệu phạm tội như trên nhưng nên cân nhắc xử lý nhẹ. Theo ông Hùng, việc làm của bốn thanh niên chưa gây hậu quả nên chỉ cần xử lý hành chính về việc gây rối trật tự công cộng. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ hiểu biết của những người này về phong tục bắt vợ để tránh việc do ít hiểu biết mà phạm luật. Còn luật sư Trí nói: “Vì chưa có hậu quả nghiêm trọng xảy ra, hơn nữa nhóm thanh niên cũng là người dân tộc thiểu số nên nhận thức pháp luật có phần hạn chế. Do đó, chỉ cần phạt bằng hình thức cảnh cáo là răn đe và giáo dục”.

Tục bắt vợ của người H’Mông: Một nét văn hóa

Đi chợ, ngắm được cô nào ưng ý, chàng trai sẽ ngỏ lời. Cách đưa tình có thể là một điệu múa khèn hay một đoạn nhạc thổi bằng sáo hoặc lá cây. Cô gái nếu đồng ý cũng sẽ giả vờ bỏ chạy, vừa chạy vừa ngoái cổ lại chờ đợi. Trước sự chứng kiến của nhiều người, chàng trai phải cầm cổ tay cô gái và kéo cô về phía mình, nghĩa là đã thành một đôi. Cô gái dù biết trước mọi chuyện vẫn cảm thấy bất ngờ, kêu toáng lên. Cô gái còn phải giả vờ kêu cứu, khóc lóc để mọi người nhà mình biết đến cứu. Người con gái bị kéo về làm vợ mà không khóc lóc, kêu la thì sẽ bị gia đình và làng xóm coi khinh. Đồng thời, nếu như cô gái khóc càng to, phản ứng càng quyết liệt thì đôi đó càng hạnh phúc, con cháu đầy nhà. Người H’Mông quan niệm có “bắt” vợ thì người đàn ông mới chứng minh sự thật lòng với người yêu, sự mưu trí, dũng cảm của mình. “Bắt” vợ là thử thách cuối cùng để trai gái trở thành vợ chồng của nhau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới