Lợi thế cạnh tranh của khu công nghiệp có xu hướng giảm?

(PLO)- Mặc dù kinh tế năm 2022 còn khó khăn ở một số địa bàn nhất định song Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Đó là quan điểm chung của nhiều chuyên gia tại diễn đàn "Khu công nghiệp Việt Nam - 2022: Khơi thông dòng vốn đầu tư mới" diễn ra sáng nay 11-8, do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức.

Lợi thế cạnh tranh của khu công nghiệp có xu hướng giảm dần

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Những năm gần đây, trung bình hàng năm, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm 70 - 80% tổng vốn đăng ký cả nước.

Tuy nhiên, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế theo chiều rộng gặp khó khăn do nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên đã tới hạn trong khi năng suất lao động, hiệu quả khai thác tài nguyên chưa cao. Chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với yêu cầu về bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội.

"Duy trì lợi thế cạnh tranh của khu công nghiệp, khu kinh tế trong điều kiện các ưu đãi về thuế, đất đai đang có xu hướng giảm dần. Liên kết và hợp tác sản xuất công nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế của Việt Nam còn hạn chế” - ông Phương nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Sau giai đoạn đại dịch, thu hút FDI vào Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để có thể đón được một làn sóng đầu tư mới. Bởi lẽ Việt Nam duy trì ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh, được đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, tiềm năng và hấp dẫn trong chính sách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, Việt Nam cũng còn thách thức cần phải vượt qua để đón nhận làn sóng đầu tư mới. Thứ nhất là, cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài giữa các quốc gia thời kỳ hậu COVID-19 sẽ ngày càng gay gắt.

Thứ hai, việc các nước đang tiến tới áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động FDI tại Việt Nam. Thứ ba, cơ chế, chính sách về đầu tư nước ngoài vẫn còn chồng chéo, công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài tại các địa phương còn thiếu gắn kết, dẫn đến việc thu hút đầu tư nước ngoài thiếu tính hệ thống, hiệu quả chưa cao.

Thứ tư, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội chưa đồng bộ, năng lực dịch vụ hậu cần, logistics chưa cao, chi phí vận chuyển còn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Thêm vào đó, thiếu hụt lực lượng lao động có kỹ năng, đặc biệt là lao động công nghệ cao, những lĩnh vực công nghiệp mới" - ông Tuấn nói.

Tỉ lệ lấp đầy trung bình của các khu công nghiệp luôn ở mức cao.

Nhà đầu tư nước ngoài coi trọng chất lượng hơn giá cả

Đề cập đến khó khăn khi các khu công nghiệp (KCN) mở rộng xin cấp chủ trương đầu tư, ông Nguyễn Thành Thanh, Trưởng BQL KCN tỉnh Long An, cho biết: Theo qui định, những KCN mở rộng xin cấp chủ trương đầu tư sẽ được cấp giấy phép sau 60 ngày kể từ khi nộp đầy đủ hồ sơ. Tuy nhiên thực tế thời gian này thường kéo dài một năm hoặc hơn, điều này làm mất cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp. Một khó khăn khác nữa của Long An là nơi đây có nền đất yếu nên suất đầu tư cao, giá đầu tư, giá thuê lại cao nên rất khó thực hiện so với khu vực lân cận.

Đánh giá về cơ hội đầu tư vào Long An, ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG lại cho rằng: Mặc dù giá thuê đất cao, nhưng qua trao đổi của KPMG với nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi thấy rằng hiện nay họ quan tâm về điều kiện đầu tư, các công nghệ hỗ trợ.

Do vậy, nếu Long An phát triển cảng biển quốc tế, cung cấp cho dịch vụ khu đô thị thì sẽ tạo điều kiện tốt, kể cả giá thuê cao thì họ vẫn quan tâm, vì họ coi trọng chất lượng hơn giá. Tôi hết sức lạc quan về triển vọng thu hút FDI vào các khu công nghiệp, khu kinh tế của Việt Nam.

Lo ngại về thời gian thuê đất

Một khó khăn khác đối với nhà đầu tư bất động sản công nghiệp đó là trên giấy phép KCN cho thuê đất quy định 50 năm nhưng đến khi kêu gọi được nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư thì thời hạn giấy phép chỉ còn 30 năm. Điều này gây khó khăn thu hút đầu tư.

Trao đổi về thắc mắc này, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết: "Theo quy định Luật Đất đai, các KCN, khu đô thị, dự án khác… thời gian giao đất cho thuê đất theo dự án đầu tư. Do đó ,các dự án phát triển KCN được xác định ở thời điểm đầu tiên khi KCN hình thành. Hiểu rõ quan tâm NĐT đảm bảo quyền thuê đất trong các KCN, Luật Đất đai cho phép hết thời hạn cho thuê đất, DN vẫn có tài sản trên đất, có nhu cầu thì được kéo dài thời gian thuê.

Theo Luật Đất Đai sửa đổi, theo chỉ đạo của Trung ương, hầu hết hình thức thuê đất từ thuê 1 lần sang thuê trả hàng năm. Do đó, Bộ TN&MT cho phép quyền thuê đất công nhận gần như là quyền tài sản, được chuyển nhượng, thế chấp, nên quyền thuê đất còn lại của 20-30 năm đều có giá trị để bảo vệ cho nhà đầu tư. Luật khẳng định nếu thời hạn còn ngắn thì có thể lập lại dự án đầu tư, xin kéo dài thời gian".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới