Ngày 11-10, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai có văn bản hoả tốc gửi Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh miền núi phía Bắc yêu cầu chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ.
Theo đó, do ảnh hưởng của bão số 7, từ ngày 10-10 đến nay, khu vực Bắc bộ đã có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 200mm.
Đặc biệt tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái đã có mưa rất lớn như tại trạm Làng Nhì 337 mm; Tà Si Láng 449 mm... gây ra lũ trên các sông suối và làm 2 người bị chết do lũ cuốn trôi.
Mưa lớn trong hai ngày qua cũng khiến nhiều khu vực của thủ đô Hà Nội bị ngập úng. Ảnh: AH
Dự báo ngày 11-10, Bắc bộ tiếp tục có mưa to đến rất to, phổ biến 40-80mm, riêng Nam đồng bằng, Phú Thọ, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai có nơi trên 100mm và tình hình mưa lũ những ngày tới còn phức tạp.
Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các tỉnh miền núi phía Bắc thực hiện nghiêm nội dung Công điện số 1323/CĐ-TTg ngày 10-10 của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; tránh chủ quan, bất cẩn gây thiệt hại đáng tiếc về người như đã xảy ra tại tỉnh Yên Bái.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, nhất là trên các suối, khe cạn, các ao hồ có nguy cơ mất an toàn.
"Chú ý đối với những khu vực tổ chức sơ tán dân phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương" - văn bản nêu rõ.
Cùng với đó, các tỉnh rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt, chia cắt; lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông; có phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, hồ đã đầy nước, hồ xung yếu, hồ đang thi công; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cũng yêu cầu các tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng, tránh.