. Pháp Luật TP.HCM: Trên mạng xã hội phát động cử tri không đi bỏ phiếu, hay phát động gạch tên ứng cử viên với khẩu hiệu “một lá phiếu, một cái tên”, điều này có làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử không? Hội đồng Bầu cử Quốc giá có đánh giá gì về việc này?
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển
+ Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Cuộc bầu cử thành công rất tốt đẹp với tỉ lệ 99,35% cử tri đi bầu cử. Vì vậy những ý kiến nêu lên của một số nhóm người trên mạng xã hội là không có tác dụng. Thực sự nhân dân, cử tri đã có tinh thần thực hiện quyền của mình, trách nhiệm của mình, thực sự biến ngày bầu cử thành ngày hội của toàn dân. Những luận điệu xuyên tạc này không làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử của chúng ta.
. Vneconomy: Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 vẫn có tình trạng bầu hộ, bầu thay và điều này được báo cáo ngay tại phiên họp của Hội đồng Bầu cử Quốc gia vào ngày 8-6. Vậy kết quả bầu cử như công bố trong cuộc họp báo hôm nay có đảm bảo tính chính xác hay không?
+ Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Khi nhận được đơn thư, phản ánh, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã yêu cầu Ủy ban Bầu cử các tỉnh, TP kiểm tra. Qua kiểm tra thấy rằng có một số ý kiến nặc danh, một số cử tri cũng nêu, trong gia đình do không hiểu biết hay đi làm ăn xa nên có việc bỏ phiếu thay cho những thành viên trong gia đình. Việc này có sai, tuy nhiên do sự không hiểu biết, không nghiêm trọng, không ảnh hưởng lớn đến kết quả bầu cử. Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành đã chấn chỉnh điều này. Tuy nhiên, có nơi bầu hộ, bầu thay ảnh hưởng đến kết quả bầu cử, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã hủy kết quả, yêu cầu bầu lại. Việc triển khai đúng quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc
+ Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia: Trường hợp vi phạm nghiêm trọng đó là ở khu vực bỏ phiếu số 2, xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Sau khi bầu lại, các cơ quan pháp luật cũng đang xem xét vi phạm này.
. Tuổi Trẻ:Hội đồng Bầu cử có đánh giá gì về việc gần 100 người trúng cử ĐBQH khóa XIV là ủy viên Trung ương Đảng, ngoài ra 15 ứng cử viên được Trung ương giới thiệu đã không trúng cử Quốc hội khóa XIV và việc chỉ có 160 ĐBQH khóa cũ tái cử có ảnh hưởng gì đến hoạt động của Quốc hội khóa XIV hay không?
+ Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Tất cả những cơ cấu thành phần, khi mà chuẩn bị cho cuộc bầu cử, chúng ta đã dự kiến các đại biểu đại diện cho các thành phần, giai tầng và cho các cơ quan. Những đồng chí là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương là những đồng chí ở trong các cơ quan quan trọng như bộ ngành, địa phương… Việc các ủy viên trung ương Đảng trúng cử là nằm trong cơ cấu đúng định hướng, góp phần vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan lập pháp, cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân.
Về việc 160 ĐBQH khóa XIII tái cử ở khóa này, chiếm 30% (trong tổng số 496 ĐBQH khóa XIV). Các khóa trước số ĐBQH tái cử cũng nằm trong quãng tỉ lệ 30%-35%. Qua thực tế các nhiệm kỳ QH, số tái cử 1/3 là nòng cốt đảm bảo chất lượng hoạt động của QH. Chất lượng hoạt động của QH thời gian qua ngày càng nâng lên. Những đồng chí tham gia mới chiếm tỉ lệ 2/3, có đủ tiêu chuẩn, có quá trình tham gia hoạt động, cả ở địa phương. Điều này không làm ảnh hưởng, mà còn làm cho QH luôn đổi mới tươi trẻ hơn, hoạt động mạnh hơn.
+ Ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia: Với hơn 67 triệu cử tri đi bầu, đã bầu 496 ĐB là thành công rất lớn. Bầu không vượt quá 500, không vì thiếu mà băn khoăn, cho rằng thiếu là khuyết điểm. Chúng ta lựa chọn bảo đảm công bằng, chất lượng nên không có gì băn khoăn. Nó có ảnh hưởng thiết kế bộ máy không? Có ảnh hưởng bước đầu, trong đó có 6 người do mặt trận giới thiệu thì tính đại diện cho các giới cũng ảnh hưởng. Có 9 người dự kiến ĐBQH chuyên trách cũng bị ảnh hưởng nhất định bước đầu đến chuẩn bị nhân sự nhưng mức độ ảnh hưởng không nhiều. Qua quá trình hoạt động của QH tới đây cũng sẽ bổ sung thêm để QH ngày càng mạnh hơn.
ĐBQH khóa XIV có 496 người + Tổng số ĐBQH trúng cử là 496 người (bầu thiếu 4 ĐBQH ở 4 tỉnh Sóc Trăng, Sơn La, Lâm Đồng, Đồng Nai, mỗi tỉnh bầu thiếu 1 ĐB so với số được phân bổ).Trong đó, ĐB do các cơ quan, tổ chức ở Trung ương giới thiệu có 182 người trúng cử (tỉ lệ 36,70%), ít hơn so với dự kiến 15 người (khóa XIII là 33,4%); ĐB do các cơ quan, tổ chức ở địa phương giới thiệu 312 người (tỉ lệ 62,90%); ĐB tự ứng cử 2 người (tỉ lệ 0,4%), giảm 0,4% so với khóa XIII. + Cơ cấu kết hợp, gồm có: ĐB là người dân tộc thiểu số 86 người (tỉ lệ 17,30%), thấp hơn 4 người so với dự kiến nhưng cao hơn so với khóa XIII (khóa XIII có 78 người); ĐB là phụ nữ 133 người (tỉ lệ 26,80%), thấp hơn 17 người so với dự kiến nưng cao hơn so với khóa XIII (khóa XIII có 122 người); ĐB là người ngoài Đảng có 21 người (tỉ lệ 4,2%), thấp hơn so với dự kiến và thấp hơn so với khóa XIII (khóa XIII có 42 người, tỉ lệ 8,4%); ĐB trẻ (dưới 40 tuổi) 71 người (tỉ lệ 14.3%), cao hơn 21 người so với dự kiến và cao hơn so với khóa XIII (có 62 người, 12,4%) ĐB khóa XIII tái cử 160 người (tỉ lệ 32,3%), bằng số dự kiến; thấp hơn so với khóa XIII (khóa XII tái cử có 167 người, tỉ lệ 33,4%); ĐB tham gia QH lần đầu 317 người (tỉ lệ 63,9%) ĐB tự ứng cử 2 người (tỉ lệ 0,4%), giảm 0,4% so với khóa XIII. + Trình độ: trên đại học 310 người (tỉ lệ 62,5%); đại học 180 người (tỉ lệ 36,3%); dưới đại học 6 người (tỉ lệ 1,3%). |