Những thông tin liên quan đến căn cước cũng như luật căn cước tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc.
Pháp Luật TP.HCM giới thiệu đến bạn đọc một số vấn đề liên quan đến giá trị sử dụng của CMND, CCCD khi Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1-7.
Người có CMND, CCCD có phải đổi sang thẻ căn cước?
Bạn đọc Thảo Trần hỏi: CCCD của tôi mới bị mất, tôi chưa có thời gian đi làm lại. Tôi định chờ đến khi Luật Căn cước có hiệu lực để đi làm lại. Như vậy, nếu thực hiện các giao dịch dân sự thì tôi có thể trình ứng dụng VNeID trên điện thoại thay cho CCCD không?
Trung tá Võ Trí Thành, Phó Đội trưởng Đội 2 (PC06), trả lời: Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 23 Luật CCCD, công dân phải làm thủ tục cấp lại thẻ căn cước khi bị mất.
Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID có giá trị tương đương việc sử dụng CCCD trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình CCCD, theo khoản 5 Điều 11 Nghị định 59/2022 quy định về định danh và xác thực điện tử.
Bạn đọc Thái Bình hỏi: Vợ tôi chưa làm CCCD (chỉ có CMND), con tôi đang học lớp 9 cũng chưa làm CCCD. Tôi có đề nghị cả hai phải đi làm CCCD ngay, nhất là con trai, để có giấy tờ tùy thân phục vụ việc thi cử sắp tới. Tuy nhiên, vợ tôi nói chờ đến ngày 1-7 có mẫu thẻ mới với tên thẻ căn cước thì làm luôn. Tôi băn khoăn đối với trường hợp của vợ, con tôi thì có nên đi làm CCCD ngay hay chờ vài tháng nữa để làm thẻ căn cước luôn cho tiện?
Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó Trưởng phòng PC06, trả lời: Theo Điều 19 Luật CCCD hiện nay, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp CCCD. Do vậy, con trai của anh nếu đủ 14 tuổi thì anh nên đưa cháu đến cơ quan công an để được cấp CCCD, tạo thuận lợi cho việc học tập, sinh hoạt của cháu, nhất là việc thi cử sắp tới của cháu.
Trường hợp của vợ anh đã có CMND, nếu còn giá trị sử dụng thì vẫn tiếp tục được sử dụng. Tuy nhiên, vợ anh nên đến cơ quan công an để được cấp CCCD gắn chip điện tử để thuận lợi hơn trong các giao dịch, sinh hoạt của mình.
Khi Luật Căn cước có hiệu lực, CCCD vẫn còn giá trị sử dụng cho đến khi hết thời hạn được ghi trên thẻ. Nếu anh chị có nhu cầu đổi qua thẻ căn cước, cơ quan công an vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu để được đổi sang thẻ căn cước.
Bạn đọc Minh Tâm thắc mắc: Trước đây, khi đổi sang CCCD gắn chip, cơ quan chức năng cho biết CMND còn hạn sử dụng sẽ không cần phải đổi sang CCCD. Thế nhưng khi giao dịch dân sự, đi đến cơ quan nào cũng yêu cầu có CCCD gắn chip để làm thủ tục, ví dụ ngân hàng, văn phòng công chứng… Vậy khi Luật Căn cước có hiệu lực thì liệu các cơ quan có đòi hỏi như vậy không?
Đại úy Võ Tuấn Thanh, cán bộ Đội 2 (PC06), trả lời: Tại Điều 46 Luật Căn cước quy định chuyển tiếp: CCCD đã được cấp trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 điều này. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.
CMND còn hạn sử dụng đến sau ngày 31-12-2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31-12-2024.
Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, CCCD được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về CMND, CCCD trong giấy tờ đã cấp.
CMND, CCCD hết hạn sử dụng từ ngày 15-1-2024 đến trước 30-6-2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30-6-2024.
Giấy chứng nhận căn cước khác thẻ căn cước
Bạn đọc Kim Thủy hỏi: Giấy chứng nhận căn cước khác thế nào so với thẻ căn cước?
Trung tá Võ Trí Thành, Phó Đội trưởng Đội 2 (PC06), trả lời: Thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật Căn cước (khoản 11 Điều 3 Luật Căn cước).
Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật Căn cước (khoản 12 Điều 3 Luật Căn cước).
Bạn đọc Huỳnh Như Ngọc thắc mắc: Thẻ căn cước sẽ có thời hạn sử dụng, vậy giấy chứng nhận căn cước có thời hạn sử dụng không?
Đại úy Võ Tuấn Thanh, cán bộ Đội 2 (PC06), trả lời: Theo khoản 6 Điều 30 Luật Căn cước, Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi, giữ, trả lại và thời hạn sử dụng của giấy chứng nhận căn cước.
Hiện nay, Bộ Công an đang chủ trì tham mưu Chính phủ ban hành nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước. Trên cơ sở đó, Bộ Công an ban hành thông tư quy định về công tác quản lý, quy trình cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước.
Nhà nghỉ không có quyền giữ thẻ căn cước
Bạn đọc Nguyễn Chí Hùng hỏi: Theo quy định hiện nay thì các khách sạn, nhà nghỉ có được quyền giữ thẻ căn cước của người dân khi đến thuê phòng không?
Luật sư Nguyễn Thanh Kha, Văn phòng luật sư Quang Duy (Đoàn Luật sư TP.HCM), trả lời: Theo quy định hiện nay, các nhà nghỉ, khách sạn về nguyên tắc sẽ không được giữ thẻ căn cước mà chỉ cần chụp lại thẻ căn cước của công dân để cập nhật lưu trú.
Tại Nghị định 144/2021 có quy định xử phạt hành vi vi phạm về quản lý, cấp, sử dụng CMND hoặc thẻ căn cước.